Đưa kinh tế số du lịch đến từng người dân
Chia sẻ tại Diễn đàn “Luồng xanh cho Du lịch cất cánh”, chuyên đề về Chuyển đổi số: Động lực phát triển bền vững ngày 18/5, ông Nguyễn Đức Thành, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ Vietsens, cho hay, sau một thời gian triển khai, ngày 13/5, quá trình chuyển đổi số tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã hoàn tất với việc ra mắt hệ thống vé điện tử và các hoạt động thanh toán giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ không dùng tiền mặt thông qua Thẻ du lịch thông minh.
Tuy nhiên, ông Thành nhận xét, phương thức vận hành mới và sự bỡ ngỡ ở nhiều khâu, như một số DN lữ hành và HDV du lịch chưa quen với việc sử dụng hóa đơn điện tử nên còn lúng túng và thắc mắc về chứng từ để thanh toán. Bán vé và hướng dẫn sử dụng vé, tuy ban đầu có chút lúng túng nhưng cũng chỉ mất khoảng một ngày là lực lượng bán và kiểm soát vé đã làm thành thạo.
Vấn đề lớn nhất là đối với du khách. Ông Thành cho hay do hệ thống vé điện tử yêu cầu du khách phải xếp hàng, đọc biển chỉ dẫn cách sử dụng vé, giữ khoảng cách,… song hầu hết du khách chưa chú ý và thực hiện đúng.
“Cần hướng dẫn để du khách dần quen với những thói quen mới văn minh như xếp hàng, nhường nhịn, tự trọng và trách nhiệm hơn; đồng thời tiến tới sử dụng thành thạo hơn các sản phẩm chuyển đổi số”, ông nói.
Nói về vai trò của chuyển đổi số trong du lịch, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý DN - Bộ TT&T, cho rằng, hệ sinh thái số du lịch không chỉ đem lại sự tiện lợi, tiết kiệm chi phí mà còn nâng cao trải nghiệm du lịch, vì vậy, qua các ứng dụng trên nền tảng số để đưa kinh tế số du lịch đến từng người dân.
Tại Việt Nam, chương trình thúc đẩy nền tảng số quốc gia đã có những bước đột phá, trong đó, sử dụng 35 nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, với nguyên tắc “rõ người, rõ việc” đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số bằng các nền tảng số Việt Nam. Trong số này, có 2 nền tảng thuộc ngành văn hóa, thể thao, du lịch. Đó là nền tảng quản trị kinh doanh du lịch và nền tảng bảo tàng số để số hóa các di tích.
Theo ông Đường, kinh tế số du lịch Việt Nam là chuyển đổi số, dữ liệu số, địa chỉ số cho 3.000 DN lữ hành, gần 30.000 HDV du lịch, 38.000 cơ sở lưu trú, 550 ngàn nhà hàng, quán ăn, 41 ngàn di tích thắng cảnh, 3.000 DN vận tải, 162 bảo tàng hay triệu triệu điểm check-in…
Từ đó, “mỗi người dân có thể trở thành một HDV du lịch, mỗi hộ dân có thể trở thành cơ sở lưu trú, mỗi trường học có thể thành điểm tham quan,… “, ông Đường nói.
Khó nhất chính là ở người lãnh đạo
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Trọng Đường kể câu chuyện thực tế hiện nay, du khách đang tham quan trên vịnh Hạ Long muốn ghé thăm vịnh Lan Hạ (Hải Phòng), có khi chỉ cách 100m nhưng không thể xin giấy phép trực tuyến mà phải lên bờ xin giấy phép, sau đó xuống tàu đi tiếp.
Theo ông Nguyễn Quyết Tâm, Ủy ban Phát triển Chính phủ số thuộc Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam Vinasa, nhà sáng lập của TravelMaster và iTourism, thì việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành du lịch hiện vẫn theo kiểu mạnh ai người đó làm, chưa có sự thống nhất. Hệ thống dữ liệu đang được xây dựng tại các địa phương, các đơn vị ở trong tình trạng mỗi nơi một kiểu.
Ông Nguyễn Trọng Đường nhấn mạnh, các Sở Du lịch/quản lý du lịch tỉnh, Hiệp hội du lịch địa phương phải kết nối với nhau, bởi dữ liệu là trọng tâm của chuyển đổi số,, nếu không xử lý được để kết nối, chia sẻ thì rất khó. “Muốn làm thì người ta sẽ tìm cách, nếu không muốn làm người ta sẽ tìm lý do", ông Đường nói.
Do đó, khi triển khai chuyển đổi số thì khó nhất chính là con người, do người làm, không phải do công nghệ. Đầu tiên là nhận thức của người đứng đầu tổ chức, vì chuyển đổi số là thay đổi một cách toàn diện, tổng thể. Ông lưu ý, nhân lực cũng không quan trọng bằng, bởi không ai dạy về Facebook nhưng ai cũng biết và dùng được cả. Nếu nhận thức không tới làm không tới.
Ngoài ra, các DN cũng cần đánh giá mức độ chuyển đổi số của đơn vị mình: đã chuyển đổi số thực sự chưa, đến mức nào, làm ra sao rồi? Ông dẫn chứng, công ty nào cũng bảo mình làm rồi nhưng còn có sự nhầm lẫn, "mới dùng phần mềm kế toán mà cứ tưởng thế đã là chuyển đổi số rồi".
Một vấn đề nữa là khi thực hiện chuyển đổi số, khó nhất là sử dụng nền tảng gì. Ông Đường khuyên các DN đừng tự làm, trừ những DN lớn tự tuyển đội ngũ IT xây phần mềm cho riêng mình. Còn các DN vừa và nhỏ, nên chọn nền tảng nào tốt, xuất sắc nhất để dùng, bao giờ thấy phù hợp thì thôi, không phù hợp thì đổi. Dữ liệu thì phải độc lập.
Ngọc Hà
Chuyển đổi số, nhân viên đa nhiệm vụ, mở thêm dịch vụ kinh doanh mới,... các khách sạn tìm cách vượt qua khó khăn của năm thứ hai đại dịch.