Tầm nhìn tìm đường mở lối, thoát khỏi bế tắc

Huyện Tiền Hải được hình thành đầu thế kỷ XIX, trong quá trình khai khẩn, mở mang đất đai của triều đình nhà Nguyễn.

Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858) quê tại xã Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, là dòng dõi quan lại triều Lê cũ, ông sớm được đào luyện trong khuôn khổ của ý thức hệ phong kiến, đề cao thuyết quân thần của Nho giáo.

Khi làm quan ở ngoài Bắc, Nguyễn Công Trứ có điều kiện chứng kiến nỗi khổ của nhân dân.

Năm 1827, trong khi Nguyễn Công Trứ tham gia đánh dẹp cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành, ông đã nhận ra những kẻ “làm loạn” không phải ai xa lạ mà chính là những người dân đói lưu vong không có ruộng đất. Muốn khắc phục triệt để nạn xiêu tán và khởi nghĩa thì phải giải quyết được nhu cầu ruộng đất và cơm áo cho nông dân nghèo.

{keywords}
Khu kinh tế Thái Bình: Động lực, tạo bước ngoặt đưa kinh tế của tỉnh bứt phá

Với nhãn quan của một vị quan tài giỏi, Nguyễn Công Trứ nhận thấy những miền bãi bồi ven biển chính là sự hào phóng của thiên nhiên ban tặng, bãi biển Tiền Châu (còn gọi là cồn Tiền, được hình thành từ quá trình bồi tạo của sông Hồng, sông Lân và sông Trà Lý) lúc đó bát ngát ngàn trùng, đất đai màu mỡ có thể khai phá thành đất canh tác. Ông đã trình sớ lên triều đình nêu rõ nguyên nhân sâu xa của khởi nghĩa nông dân và đề nghị triều đình tổ chức cho nông dân nghèo tiến hành khẩn hoang quy mô lớn vùng bãi biển Tiền Châu.

Tấu sớ của Nguyễn Công Trứ đã mở ra lối thoát cho tình hình bế tắc trầm trọng của xã hội đương thời. Đến tháng 3/1828, phụng sự triều đình, Nguyễn Công Trứ đi thuyền rồng đến bãi Tiền Châu trực tiếp chỉ huy cuộc đại khẩn hoang với những kế sách độc đáo và táo bạo để yên dân.

Huy động sức mạnh đại đoàn kết, kinh nghiệm trong nhân dân

Trong cuộc doanh điền ở Tiền Hải, Nguyễn Công Trứ đặc biệt khuyến khích các làng sở tại. Ngoài việc cấp lương tiền, họ được ưu tiên khai khẩn phần đất giáp ranh với làng cựu, được mộ thêm dân ở các nơi cho đủ số để lập làng ấp mới, mà lý trưởng, ấp trưởng phải là người sở tại. Thành phần dân cư các làng mới chủ yếu tách ra từ các làng cựu.

Nguyễn Công Trứ phát huy sức mạnh truyền thống ở các làng cựu, ưu tiên các làng cựu khai khẩn miền đất liền kề để phục vụ cho cuộc khẩn hoang. Dân sở tại được xem như thành phần nòng cốt và trên cơ sở đó thu hút thêm dân nghèo các làng, vừa có tác dụng đẩy mạnh khai hoang, vừa có tác dụng giải quyết nạn lưu vong.

Các gia đình, dòng họ đều thực hiện sự phân cư, dựa trên nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện, đoàn kết “anh cựu em tân”. Sự thành lập các làng, ấp mới dựa trên sự san dân từ các làng cựu, vốn có một quan hệ gia tộc làng xóm và phong tục tập quán lâu đời, giúp cho sự hình thành khối cộng đồng dân cư bền vững.

Đặc biệt là kinh nghiệm của các làng cựu trong quá trình quai đê lấn biển, phân phối ruộng đất, là những bài học trực tiếp đối với cuộc doanh điền. Nguyễn Công Trứ khéo léo kế thừa và nâng cao những kinh nghiệm đó thành phương thức doanh điền phát triển ở đỉnh cao, như những cây ươm từ vườn mang sang đất mới, nhanh chóng bén rễ đâm chồi.

Nguyễn Công Trứ chẳng những chiêu mộ dân nghèo, ông còn thu hút nghĩa quân cũ của Phan Bá Vành vào cuộc doanh điền, với mục đích tránh nguy cơ tái diễn của khởi nghĩa nông dân. Với chủ trương thu hút bộ phận khởi nghĩa nông dân vào công cuộc khai hoang, Nguyễn Công Trứ đã tạo ra lối thoát không những cho nông dân nghèo và nghĩa quân mà cũng là cho ngay cả bản thân giai cấp thống trị. Những người từ chỗ là lực lượng đối kháng mạnh mẽ của triều đình đã chuyển thành nhân tố quan trọng của sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Đó là biện pháp vừa khôn ngoan, vừa táo bạo mà Nguyễn Công Trứ đã thực hiện thành công.

Đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nhiều trại giáp trước kia đã phát triển thành làng ấp mới như Đông Hoàng, Bạch Long, Mỹ Đức, Chỉ Trung, Xuân Hòa Giáo, Tân Xuân… Dân các làng Phong Lai, Vũ Xá tiếp tục khai hoang lấn biển ra các trại ấp mới trên bãi biển mới bồi như Tân Lạc, Vũ Xá. Dân các làng Đông Cao, Thanh Giám cũng tiếp tục quai đê khẩn thêm hàng trăm mẫu chia cho các dân đinh làm tư điền thế nghiệp vào đầu đời vua Thành Thái. Ngoài thuận về phát triển khai hoang, các làng ven biển còn có điều kiện phát triển các nghề biển như làm muối, đánh cá, trồng cói… Những ngành nghề đó góp phần đáng kể trong việc cải thiện đời sống của nhân dân trong huyện và tỉnh, đồng thời tăng cường an ninh tại vùng ven biển của đất nước.

Sau những tháng ngày lao động gian khổ hệ thống đê sông Lân, sông Trà, sông Cá được hình thành, đẩy lùi sự uy hiếp của bão biển và thủy triều tạo điều kiện cơ bản biến bãi Tiền Châu hoang vu ngập mặn thành đất đai canh tác.

Cuộc doanh điền ở Tiền Châu cũng không tách rời việc phát triển thủy lợi tạo nên hệ thống sông đào để tưới tiêu cải tạo đồng ruộng. Hệ thống thủy nông ở Tiền Hải gồm hàng trăm cây số đê sông lớn và nhỏ đã biến bãi biển hoang vu thành hàng vạn mẫu đồng điền màu mỡ. Do tác dụng tưới tiêu có hiệu quả tốt và lâu dài nên hệ thống thủy nông Nguyễn Công Trứ vẫn còn được sử dụng như là nòng cốt của hệ thống thủy nông hiện nay.

Hệ thống thủy nông trong cuộc doanh điền ở Tiền Hải chứng tỏ ý nghĩa quyết định của công tác thủy lợi trong khai hoang cũng như trong sản xuất nông nghiệp.

Không phải người có ý tưởng đầu tiên nhưng có biệt tài sáng suốt trong chỉ đạo

 

Nguyễn Công Trứ không phải là người đầu tiên nhận thấy vai trò của thủy lợi đê sông nhưng ông biết đánh giá đúng đắn những bài học về làm thủy lợi của nhân dân vùng ven biển của những thế hệ trước và với biệt tài sáng suốt trong chỉ đạo của mình, ông đã đưa cuộc khẩn hoang và công tác thủy lợi đầu thế kỷ XIX đạt được thành quả to lớn vượt lên hơn hẳn các thế kỷ trước.

Hàng trăm km đê sông được đào đắp, hàng vạn mẫu ruộng được hình thành, gần 100 làng ấp trại giáp được thành lập, tất cả chỉ trong không đầy 6 tháng. Đó thực là một kỳ công “nhanh chóng lạ thường”. Nhưng mặt khác, những thành quả về công trình đê thủy lợi trong cuộc khẩn hoang ở Tiền Hải còn chứng tỏ rằng, trong điều kiện một quốc gia phong kiến kiểu phương Đông với điều kiện kỹ thuật còn thấp kém nhưng nếu giai cấp thống trị biết quan tâm đến quyền lợi ruộng đất của nông dân và biết mạnh dạn tổ chức để nông dân lao động hiệp tác đẩy mạnh khai hoang như Nguyễn Công Trứ thì sức mạnh lao động hợp đồng của đông đảo nhân dân sẽ đem lại những thành quả sáng tạo vô cùng to lớn đến phát triển nền sản xuất nông nghiệp và thúc đẩy xã hội tiến lên.

Tháng 9/1828 công cuộc khẩn hoang hoàn thành theo tấu sớ của Nguyễn Công Trứ, triều đình phê chuẩn thành lập huyện Tiền Hải. Công cuộc khai hoang ở Tiền Hải đạt được kết quả to lớn và vững chắc, các làng ấp phát triển phồn vinh, dân cư, diện tích khai hoang tăng tiến, trật tự xã hội được ổn định. Những thành quả to lớn của cuộc khai hoang ở Tiền Hải mà kết tinh chủ yếu ở chế độ tư điền thế nghiệp và chế độ công điền quân cấp, là do “sự luật pháp công bình”, do chủ trương đúng đắn và sáng tạo của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ. Công cuộc khẩn hoang lúc đó được dân nghèo các nơi tích cực hưởng ứng. Chủ trương chiêu dân lập ấp của Nguyễn Công Trứ đã giải quyết yêu cầu ruộng đất cho nông dân lưu vong và dập tắt được ngòi nổ của khởi nghĩa nông dân đang sôi sục lúc bấy giờ.

Cuộc khai khẩn đưa nông dân về với ruộng đất

Miền đồng bằng ven biển Bắc Bộ từng chứng kiến các cuộc khẩn hoang lớn diễn ra trong lịch sử. Nhưng cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải đầu thế kỷ XIX là cuộc khẩn hoang có quy mô to lớn nhất và thành công rực rỡ nhất. Dải Tiền Châu bao hoang vu rộng lớn, trở thành huyện Tiền Hải lúa dâu tươi tốt, phồn thịnh. Những làng ấp sắp hàng vuông vức, những con sông ngang dọc như bàn cờ, những cánh đồng trải rộng từ sông Long Hầu ra tận chân đê ven biển còn mãi mãi sáng ngời nét vàng trí tuệ của vị Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ.

Những triền đê sừng sững hiên ngang trước bão tố thủy triều; mạng lưới sông đào thau chua rửa mặn dẫn nước ngọt phù sa về đồng ruộng không ngừng làm giàu đẹp quê hương. Đó là thành quả trực tiếp của bàn tay những nông dân nghèo đầu thế kỷ XIX, là kết tinh của vô vàn mồ hôi nước mắt, những kinh nghiệm thành công và thất bại của bao thế hệ cha ông trên miền đất sa bồi đầy bão bùng sóng gió.

Cuộc khai khẩn thành lập huyện Tiền Hải đã đưa nông dân về với ruộng đất, với làng ấp quê hương mới, tạo điều kiện cho sự ổn định trật tự xã hội và thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp phát triển. Đồng thời tăng cường được việc bảo vệ an ninh miền duyên hải. Sản xuất gắn liền với chiến đấu, giữ làng gắn liền với giữ nước. Đó cũng là nét đẹp truyền thống của nhân dân Tiền Hải, suốt từ ngày đầu dựng làng lập huyện.

Cuộc khẩn hoang tạo nên cho Tiền Hải một mẫu hình làng kiểu mới. Đó là cấu trúc loại hình làng nội đồng và làng ven biển, tạo ra phương hướng phát triển có tính quy hoạch lâu dài. Đó là cấu trúc lãnh thổ theo đường thẳng có tính chất của sản xuất hiện đại vừa bảo đảm sự công bằng và phân công lãnh thổ, vừa có hiệu quả trong phát triển thủy lợi đê điều. Cấu trúc làng mới Tiền Hải còn bao hàm tính công bằng dân chủ trong tổ chức phân phối ruộng đất cũng như trong quan hệ hợp quần của cộng đồng làng xã. Giúp nhân dân Tiền Hải kế thừa và phát huy cao độ được những phẩm chất cao quý của dân tộc Việt Nam, truyền thống của tình đoàn kết và lòng nhân ái, lòng yêu chuộng công bằng dân chủ và tiến bộ xã hội.

Những thành quả vĩ đại của công cuộc doanh điền lập ấp ở Tiền Hải đánh dấu một bước phát triển nhảy vọt trong lịch sử khai hoang ở Việt Nam, đem lại những bài học vô giá cho công tác chỉ đạo tổ chức khai hoang của Đảng, Nhà nước ta sau này; là kho tàng phong phú, những kinh nghiệm về kỹ thuật đào sông đắp đê, cải tạo đất đai, xây dựng các điểm dân cư làng xã, đặc biệt có ích cho quá trình tiếp tục quai đê lấn biển.

Bùi Hoa

Ảnh: Thảo Hiền