Hơn 10 năm trước, chuyện người phụ nữ liên tiếp sinh 14 người con gây xôn xao làng Cổ Bản (Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội). Người ta thắc mắc, tại sao ở thời đại này, bà Đặng Thị Hải lại có thể sinh nhiều con như vậy trong khi hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. 

Nước mắt đã cạn 

Con đường đến nơi ở hiện tại của bà Đặng Thị Hải (56 tuổi) phải đi qua nghĩa trang, xuyên qua cánh đồng mênh mông. Nơi gia đình bà coi là nhà, thực chất là một cái lán được dựng lên, ở nhờ đất dự án từ năm 2007.

Nhiều năm nay, gia đình bà trông cậy vào nơi này để chăn nuôi bò, lợn, vịt, gà, cấy hái, kiếm con tôm, con tép, mớ rau phục vụ bữa ăn của gần 20 miệng ăn và bán lấy tiền sống qua ngày. 

W-bahai14con10-2.jpg
Bà Hải nói về những chuyện đã qua với đôi mắt đượm buồn

Bà Hải kể, mình sinh ra trong một gia đình khó khăn nên khi còn trẻ đã phải bươn chải kiếm sống. Thương người con gái sớm hôm một mình, ông Ngô Doãn Năm nảy sinh tình cảm rồi quyết định ngỏ lời cưới bà. Lấy chồng được 1 năm, ông bà có con gái đầu lòng. Những người con tiếp theo (8 trai, 5 gái) lần lượt ra đời, mỗi con cách nhau 2 năm. 

Dù 14 lần mang nặng đẻ đau, nhưng người mẹ ấy chưa từng đến cơ sở y tế để sinh nở. "14 lần sinh thì có 3 lần chồng tự đỡ đẻ và 7 lần tôi đẻ rơi ngoài lều. Có lần tôi phải tự tay cắt rốn cho con rồi ôm về nhà", bà Hải kể.

Rất nhiều người không hiểu tại sao một người phụ nữ công việc không ổn định, chỉ bám vào ruộng lúa và con lợn, con gà lại liều lĩnh sinh một đàn con như vậy. 

Hỏi về lý do sinh nhiều con, bà Hải nghẹn ngào: “Ngày đó cuộc sống vất vả, tôi chỉ mải làm kiếm cái ăn, không nghĩ đến chuyện kế hoạch, cũng không kiểm soát được hành vi của mình nên sinh nhiều con. Có lúc tôi còn chẳng biết mình mang bầu. Khi biết rồi, tôi lại không nỡ bỏ, không muốn làm việc thất đức nên cứ thế mà sinh chúng ra”. 

Bà kể, thực ra có lần bà từng đi triệt sản để khỏi sinh nở, khỏi vất vả nhưng bị chồng phát hiện. Ông Năm đến tận trạm xá đưa bà về, không cho làm. Từ đó, những đứa con tiếp theo của bà lần lượt ra đời, cho đến đứa thứ 14. 

Có những ngày bà phải nhịn đói, đi ngủ sớm để nhường cơm cho chồng, cho con. Nhưng sáng tinh mơ bà đã phải dậy ra đồng bắt cua, bắt tép, bán lấy tiền mua gạo. 

Ngoài trông chờ vào việc cấy lúa, nuôi mấy con lợn, con vịt, con bò, bà Hải không biết bám vào đâu để lấy tiền nuôi ngần ấy miệng ăn.

Các con bữa no bữa đói, lòng người mẹ đau thắt ruột. Có lúc nghĩ tiêu cực, bà từng muốn quyên sinh để vơi đi nỗi vất vả nhưng rồi lại nghĩ, mình chết thì ai nuôi con. Mỗi ngày bà lại nuốt nước mắt vào trong, gượng dậy đi làm, tích từng đồng để mua gạo, mua thức ăn mang về cho những đứa trẻ ở nhà. 

Năm 2014, con gái út của bà bị não úng thủy không may qua đời. Chồng bà cũng lâm bạo bệnh rồi ra đi mãi mãi sau đó 2 năm. Liên tiếp mất đi hai người thân, bà Hải cảm thấy gục ngã.

Từ khi chồng mất, một mình bà gồng gánh tất cả với hy vọng các con lớn lên sẽ biết giúp mẹ, thương mẹ, để mẹ được an ủi phần nào. 

Nhưng số phận một lần nữa lại trêu đùa người phụ nữ bất hạnh. Năm 2021, 4 đứa con trai của bà lao vào vòng lao lý vì tội cướp tài sản. Đang làm đồng, nhận tin sét đánh, bà bỏ cả ruộng lúa cấy dở vội chạy về nhà. Nhìn các con bị dẫn đi, đứa lĩnh án tù 10 năm, đứa 6-7 năm, bà đau thấu trời, chỉ biết trách bản thân.

Giờ đây, bà chỉ biết hy vọng, trông chờ ngày con cái trở về sum vầy, hối lỗi, làm lại cuộc đời. 

Trong số 13 người con của bà, có 6 người đã lập gia đình, sinh cho bà 7 cháu nội và 6 cháu ngoại. Hai cô con gái của bà đã ly hôn chồng, một người về sống cùng mẹ, một người đi bước nữa để lại con thơ. Bà hiện nuôi thêm một cháu ngoại. 

Bà cho biết, cô con gái lớn học cao nhất nhà, hết lớp 11 thì nghỉ. Những người con còn lại chỉ học đến cấp 2 rồi về nhà ra đồng phụ mẹ, mò cua bắt ốc, chăn bò… Hiện chỉ có một cậu con trai sinh năm 2011 học lớp 7. Bà cũng không biết con học được đến bao giờ, chỉ biết cố gắng lo cho con từng ngày. 

Trong nhà bà không có đồ đạc gì đáng giá. Chiếc tivi cũ, tủ lạnh cũ là được người quen cho dùng tạm. Cả khu bếp chỉ có một chiếc bếp ga và mấy cái nồi để nấu nướng. Trong nhà chỉ có duy nhất một chiếc giường cho cháu nhỏ còn lại tất cả trải chiếu, trải đệm ra sàn ngủ.

Trong suốt bấy nhiêu năm cuộc đời bà Hải cho biết, việc có một bữa cơm đề huề, đầy đủ thịt thà, rau, cá… chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Năm ngoái, con dâu, con gái cùng bà tích cóp tiền bạc, bán cá, bán lợn và vay mượn khắp nơi mua được 6 chiếc máy khâu để nhận đồ về may. Các con của bà cũng nhờ vậy mà có công việc và thu nhập khiến bà được an ủi phần nào.

W-bahai14con19-2.jpg
Bà Hải đứng ở khu vực để máy khâu của các con

Những món nợ ân tình

Bà Hải kể, việc mình dọn ra cánh đồng sống từ năm 2007 cũng vì ngại người làng. Có lúc khó khăn đến cùng cực, con ốm, chồng ốm, bà rớt nước mắt bất lực vì không có tiền chạy chữa. Nhưng trong cơn tuyệt vọng ấy vẫn có những tia sáng hy vọng khiến bà vực dậy tinh thần.

“Đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên được món nợ ân tình mà người ta đã giúp mình. Tôi còn nhớ vào khoảng năm 2003-2004, gia đình đói kém, khó khăn vô cùng. Tôi nuôi được ít ngan để bán lấy tiền may quần áo cho các con nhưng không may ngan chết hết. Lúc đó, cuộc sống đã khó càng khó hơn. Tôi gặp bà Sáu hàng xóm ở ngoài đường. Bí quá, tôi đánh liều ngỏ lời vay bà 200 nghìn tiêu Tết. Bà hứa cho vay và bảo hôm sau mang vào.

Nhưng đợi đến tận 28 Tết chưa thấy gì nên tôi nghĩ đã hết hy vọng. Ngờ đâu, sáng 29 Tết, ông Sáu chở 10kg gạo vào và mang 200 nghìn cho tôi vay. Ông nói gạo thì ông cho, còn tiền thì cứ cầm khi nào có thì trả”, bà Hải nghẹn ngào nhớ lại. 

Số tiền 200 nghìn với người khác có thể là nhỏ, nhưng với gia đình bà Hải khi đó là cả một gia tài. Nhờ 10kg gạo và 200 nghìn ấy, gia đình bà Hải đã thực sự có Tết. Đến giờ bà vẫn không thể nào quên được món nợ ân tình bà Sáu dành cho mình.

W-bahai14con9-2.jpg
Mỗi chiều bà đều lên chợ Vạn Phúc xin thức ăn thừa về cho lợn

Năm 2015, khi chồng ốm nặng đi viện, bà vay mượn khắp nơi nhưng nhiều người thấy hoàn cảnh khó khăn của bà thì không dám cho vay. May thay, có một người sẵn sàng ra tay cứu giúp. 

“Năm đó, chồng tôi ốm nặng phải nhập viện nhưng trong người không có đồng nào. Tôi gặp bác Khang ở trên đường và hỏi vay bác 500 nghìn đồng. Bác nhìn tôi rồi mắng ‘chồng đi viện mà vay 500 nghìn, cô có bị làm sao không đấy. Vào đây, tôi cho cô vay 2 triệu’. Nói rồi bác ấy đưa cho tôi vay 2 triệu đồng để lo việc cho chồng. Nước mắt tôi cứ thế chảy dài vì xúc động”, bà Hải chia sẻ. 

W-bahai14con13-2.jpg
Bà Hải chỉ về phía cánh đồng, nơi cậu con trai nhỏ đang chăn bò

Đối với bà Hải, món nợ trong đời không chỉ là bà Sáu, ông Khang mà còn là nợ các con, nợ chính bản thân bà. Bà nợ cuộc đời mình vì không thể mang lại cuộc sống sung túc, đủ đầy hơn cho các con, cho chính bản thân. 

Trải qua bao năm vất vả, con mất, chồng mất, bà Hải vẫn luôn tự động viên mình phải gắng gượng, phải cố hết sức vì con, vì cháu. Giờ đây, mỗi sáng tinh mơ bà đều dậy đi ra đồng làm ruộng, mò cua, bắt cá, trông vào cây lúa, đàn vịt, đàn lợn kiếm tiền mưu sinh.

Hoàn cảnh khó khăn, nhưng bà luôn dặn lòng phải “đói cho sạch, rách cho thơm”. Mỗi bữa cơm, bà lại nói với các con rằng, mình nghèo nhưng phải sống sao cho phải đạo, chịu khó làm ăn, tương trợ lẫn nhau để mẹ được an lòng. 

Mùng 8/3 năm vừa rồi, con trai thứ 6 và con gái thứ 5 bỗng mua một bó hoa tặng mẹ. Đó là lần đầu tiên trong đời bà được nhận hoa. Món quà nhỏ nhưng ý nghĩa khiến bà Hải cảm thấy vừa vui vừa xúc động. 

Ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Chủ tịch Phường Đồng Mai cho biết, gia đình bà Hải hiện nằm trong diện hộ cận nghèo của địa phương. Hàng năm, vào dịp Tết, địa phương có hỗ trợ món quà Tết và số tiền 2-3 triệu đồng để gia đình ăn Tết. Ngoài ra, Hội Chữ thập đỏ cũng tặng bò cho gia đình bà Hải. Tấm lòng và sự giúp đỡ của mọi người đều là nguồn động viên lớn với bà mẹ 14 lần sinh nở. 

W-bahai14con16-2.jpg
Nụ cười hiếm hoi trên khuôn mặt người đàn bà khắc khổ

“Nhiều khi tôi chỉ biết nuốt nước mắt, coi đó là số kiếp của mình, là vận mệnh an bài và chấp nhận hoàn cảnh để cố gắng sống vì các con. Tôi nghĩ nhiều rồi, đau nhiều rồi, khổ cũng quá nhiều rồi nên bây giờ chỉ mong duy nhất một điều là có sức khỏe để lao động, kiếm tiền lo cho con, cho cháu. Nếu các con hiểu chuyện, chăm làm, kiếm tiền hỗ trợ lẫn nhau được thì đó là điều hạnh phúc nhất cuộc đời tôi”, bà Hải nghẹn ngào.