Tôi quan niệm, chúng ta có ba cuộc đời và cuộc đời thứ ba mới là cuộc đời đáng sống với những kế hoạch rõ ràng, chuẩn bị và tìm niềm vui cho mình trong mọi tình huống...
Ở phần trao đổi này, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trải lòng về ‘Đạo và Bạc’ của nghề tình báo cùng những chia sẻ rất riêng tư về cuộc đời.
Trong cuốn sách, Thượng tướng có đúc kết “Tình báo là nghệ thuật đưa ra quyết định khi chưa đủ thông tin, hay nói rộng hơn là nghệ thuật dự báo”. Ông có thể kể thêm một vài câu chuyện thực tế, để bạn đọc hiểu, tin yêu hơn và trân trọng ngành tình báo cũng như những cán bộ tình báo?
Tại sao Hà Nội biết trước Mỹ sẽ đánh bom B52 miền Bắc? Câu trả lời nằm ở một trong những chiến công của ông Ba Quốc. Ông đưa ra nhận định này từ những nguồn tin lờ mờ, không có cơ sở đầy đủ.
Nguyên tắc mà nói, tình báo khi kết luận vấn đề cần có tin nguyên bản, tin trong mục tiêu (tức là tin trong lòng địch), tin được kiểm chứng…
Ông Ba Quốc đưa ra nhận định ‘Mỹ sẽ dùng B52, đánh ra Hà Nội, trước Noel’ có thể coi là đánh giá liều lĩnh khi thiếu rất nhiều yếu tố. Hay ông Hai Trung cũng từ những nguồn tin lờ mờ đưa ra nhận định ‘Mỹ sẽ không dùng bom hạt nhân ở Việt Nam, không quay lại Việt Nam vì vấn đề của chính Mỹ’…
Đây là những nhận xét mang tính chất quyết định khi không đủ thông tin. Điều này đòi hỏi bản năng, khả năng tổng hợp, tư duy logic và chiến lược cũng như kinh nghiệm của cán bộ tình báo cộng với thông tin họ có được. Nghĩa là ‘Tình báo là nghệ thuật đưa ra quyết định khi chưa đủ thông tin’.
Thượng tướng dẫn lời người thầy Ba Quốc rằng “nghề tình báo bạc lắm, anh thành công hôm nay, nhưng ngày mai người ta chụp cái ảnh rồi nghi anh dính vào tình báo địch thì cãi đi đâu, ai làm chứng”. Ông nghĩ sao về sự “bạc” trong nghề tình báo?
Tôi từng nói ‘những cán bộ, chiến sĩ tình báo trải qua nhiều gian nan thử thách. Bản thân và gia đình họ chịu đựng sự hy sinh thầm lặng. Họ là những người vĩ đại".
Bà Phạm Thị Thanh, vợ đầu của ông Ba Quốc đã phải chịu đựng không ít khổ cực về vật chất và tinh thần, phải nén lòng và quyết định đặt quyền lợi đất nước lên trên cả hạnh phúc lứa đôi. Khi nghe chồng chia sẻ về nhiệm vụ mà tổ chức giao vào Nam hoạt động, phải lấy vợ khác để tạo vỏ bọc tốt nhất, bà lặng lẽ gật đầu.
Bị bà con xung quanh hắt hủi, dè bỉu vì tiếng chồng trốn vào Nam theo địch, mẹ con bà Thanh phải rời quê, dắt díu nhau lên nông trường xin làm công nhân trồng chè…
Nhưng cả ông và gia đình ông đã vượt qua những thử thách ấy. Tôi từng hỏi bà Thanh ‘cô có tâm tư, trách móc gì tổ chức không?’. Bà trả lời ‘Lúc đầu là có, nhưng sau nghĩ lại tôi thấy tôi sai rồi. Khổ thế chứ khổ nữa tôi cũng chịu được, miễn là giữ được bí mật cho ông ấy, để ông ấy hoàn thành nhiệm vụ trở về’.
Một người phụ nữ nói câu vĩ đại như thế. Tôi chưa bao giờ thấy câu nào hơn thế về lòng yêu nước. Bà Thanh đã khốn khổ hơn hai mấy năm, vẫn sống và tin có ngày chồng trở về, dù ông biệt tăm biệt tích. Bà Thanh mới thực sự là anh hùng.
Người vợ thứ hai của ông - bà Ngô Thị Xuân - cùng các con ở Sài Gòn cũng hết lòng bao bọc để ông hoàn thành nhiệm vụ khi hoạt động trong địch hậu. Bà kể ‘trong nhà bao giờ cũng có bao tải gạo và một khoản tiền. Tôi biết nếu ông ấy bị bắt thì tôi cũng sẽ bị bắt, thì con có gạo mà ăn’. Cuộc sống gia đình như vậy có bao giờ được yên ổn?
“Bạc” của nghề tình báo một phần là chỗ đó…
Tìm niềm vui cho mình trong mọi tình huống
Vậy cái “đạo” của người làm công tác tình báo là thế nào, thưa Thượng tướng?
Đó là lòng tin và tình yêu Tổ quốc, lòng tin vào lý tưởng và sự tất thắng của cách mạng, nếu không sẽ không chịu được, không chịu nổi.
Thượng tướng kể hồi trẻ, hoạt động bên Campuchia, ông hay đọc sách, không còn gì để đọc nữa thì ngồi viết đủ thứ, kể cả viết văn. Vậy sau khi cuốn Người Thầy ra đời và được rất nhiều độc giả đón nhận, ông có dự định viết cuốn thứ hai, hoặc viết kịch bản phim hay thậm chí là tiểu thuyết?
Tôi đã viết bài nói về việc xây dựng chiến lược bảo vệ Tổ quốc; những câu chuyện về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh qua ảnh; câu chuyện hành trình dioxin ở Việt Nam; câu chuyện thiết lập cơ chế hợp tác đa phương về quốc phòng ADMM+ (Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng gồm 10 nước ASEAN và 8 nước đối tác đối thoại)…
Một câu hỏi rất riêng tư, thưa Thượng tướng. Bố tôi bảo người lớn tuổi hay sống bằng ký ức. Người lớn tuổi có thể nhớ nhớ quên quên những câu chuyện hiện tại nhưng ký ức như một thứ gì đó đẹp đẽ ăn sâu vào tâm khảm. Ký ức nào luôn trở về trong ông và như một liều thuốc tinh thần để vực dậy mỗi khi ông đối diện với khó khăn hay buồn bã?
Bất cứ ai đều cũng có những ký ức của mình, nghe một bài hát từ xa xưa vẫn thấy hay là bởi nhớ lại thời tuổi trẻ, tuổi thanh xuân; xem những bộ phim ngày xưa thấy hay vì nhớ thời sơ tán, thời chiến đấu…
Ký ức bao giờ cũng đẹp. Có những người khi buồn thì trở lại ký ức, nương náu vào đấy để vượt qua những khó khăn đời thường. Điều đó đúng, nhưng với tôi là chưa đầy đủ.
Tôi cũng có nhiều ký ức, nhưng tôi luôn sống cuộc sống hiện tại, hài lòng với nó. Tôi luôn có kế hoạch cho tương lai, trung hạn và dài hạn, kể cả đối đầu với bệnh tật, sống lạc quan.
Tôi quan niệm, chúng ta có ba cuộc đời. Một là cuộc đời chuẩn bị cho chính mình (từ nhỏ tới khi học hành), cuộc đời thứ hai là làm việc đóng góp cho gia đình và xã hội (cuộc đời phục vụ) và cuộc đời thứ ba là về hưu – đây mới là cuộc đời đáng sống với những kế hoạch rõ ràng, chuẩn bị và tìm niềm vui cho mình trong mọi tình huống...
Nhân vật trung tâm trong cuốn sách Người Thầy là ông Ba Quốc, tức Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Trần Đức.
Ông sinh tại Thanh Trì (Hà Nội), bí danh Ba Quốc, Nguyễn Văn Tá; nguyên Ủy viên Thường vụ Đảng ủy, Cục trưởng Cục 12, Tổng Cục II, Bộ Quốc phòng, phụ trách lực lượng tình báo phía Nam.
Với những chiến công xuất sắc, ông được mệnh danh là một trong những át chủ bài của lực lượng tình báo Việt Nam.