* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
Trên giờ vàng các buổi tối từ thứ 2 đến thứ 6 gần đây, VTV chiếu những bộ phim về gia đình, về xã hội không hề có cảnh nóng, mùi mẫn nhưng nhiều người vẫn thích xem, khen từ đầu phim đến cuối phim, mong thêm tập. Nguyên nhân do đâu?
Trước hết, các phim phản ánh những nét tích cực trong cuộc sống của người Việt về tình cảm anh em trong gia đình. Trong phim Gara hạnh phúc, người anh dành mọi điều cho em gái, kể cả hy sinh tính mạng để em sống yên vui. Người em gái dù sức yếu, bệnh tật nhưng biết lo cho anh trai miếng cơm, cái áo. Họ sống với nhau đúng như câu “anh em như chân với tay” hay “tay đứt ruột xót”. Trong Gara hạnh phúc, không chỉ có tình anh em mà còn tình cha con, bạn bè, sướng khổ có nhau như một gia đình...
Trong phim Thương ngày nắng về, bà mẹ một mình sớm hôm tần tảo lo toan cho 2 con đẻ, 1 con nuôi từ lúc nhỏ đến lúc trưởng thành, đối xử với con nuôi như con đẻ. Khi các con nó trưởng thành, có gia đình nhỏ nhưng mẹ vẫn lo mà không nghĩ tới mình. Hình ảnh người mẹ rạng rỡ, viên mãn cùng các con gái, con rể chụp ảnh đẹp đấy nhưng thương bà những ngày sắp tới lầm lũi một mình!
Phim Cuộc đời vẫn đẹp sao là bức tranh của những con người lao động ở một khu chợ để đổi mồ hôi kiếm những đồng tiền nhỏ. Làm việc trong điều kiện khó khăn nhưng họ không kiếm tiền bằng bất cứ giá nào. Đồng tiền quý như vàng kiếm từ mồ hôi, nước mắt để lo cho con ăn học, trả nợ nần. Khi người khác khó khăn lấy mất vàng, tiền, bực thì chửi vài câu nhưng khi thấy mẹ của người lấy tiền thập tử nhất sinh, ông Lưu lại lấy những đồng còn lại để biếu bà lo thuốc thang!
Cái cảnh ở căn nhà nhỏ xập xệ, bà mẹ già của bạn cùng làm ốm nặng, Lưu và Luyến đưa tiền biếu bà, nhiều người đã khóc, bởi chỉ có tình thương thực sự mới có tấm lòng, tình người như vậy, đúng như câu “khổ đau nhiều mới yêu thương lắm” của người Việt.
Ba bộ phim không có cảnh nóng nhưng được yêu thích bởi cái tốt, cái đẹp đi vào lòng người, không như các phim kể tội, lôi cái xấu ra mổ xẻ. Trộm nghĩ, các tác giả kịch bản, đạo diễn hình như còn muốn những "ông quan tham” hãy mở mắt học người lao động dù khó khăn, thiếu thốn nhưng không kiếm tiền bằng bất kỳ giá nào mà sống theo kiểu “một con ngựa đau cả tàu chê cỏ”. Khi khó khăn, hoạn nạn họ biết “nhường cơm sẻ áo” cho nhau theo truyền thống người Việt bao đời, không như mấy chục vị “quan” trong vụ Việt Á chia nhau những đồng tiền hối lộ trong lúc cả xã hội gồng mình chống dịch Covid-19.
Đỗ Hữu Diên