Trang Pravda dẫn lời các chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ cho hay, kể từ cuối năm ngoái, Nga giữ thể chủ động liên tục trên toàn bộ khu vực diễn ra các hoạt động chiến đấu. Điều này cho phép Moscow đặt ra các điều khoản giao tranh, gồm cả địa điểm, thời gian và cường độ các hoạt động quân sự tại Ukraine. Sự thống trị này buộc Ukraine phải tập trung nguồn lực vào các chiến lược phản ứng và phòng thủ.
Tuy nhiên, chiến dịch của Ukraine tại vùng Kursk của Nga đã phá vỡ động lực này, buộc Kremlin và giới lãnh đạo quân đội Nga phải phản ứng bằng cách tái triển khai quân đội và nguồn lực để chống lại bước tiến của Ukraine tại Kursk.
Dù vậy, các lực lượng Nga đã kiềm chế, không mở các cuộc tấn công trực tiếp tại Kursk. Thay vào đó, Nga tận dụng lợi thế chiến lược bao trùm của mình để duy trì sức ép đối với Ukraine, tìm cách ngăn cản các lực lượng Ukraine củng cố nhân lực và thiết bị cho các cuộc phản công tiềm tàng. Cùng lúc, Nga dàn dựng một nhịp độ giao tranh được kiểm soát nhằm đảm bảo khả năng duy trì các cuộc tấn công liên tiếp.
Các chuyên gia ISW đánh giá, chiến dịch đột kích của Ukraine ở vùng Kursk và các cuộc xâm nhập xuyên biên giới có thể xảy ra tiếp theo của Kiev buộc Kremlin và Bộ chỉ huy quân đội Nga phải đưa ra quyết định về việc có nên coi đường biên giới dài hàng nghìn kilomet với vùng đông bắc của Ukraine là tiền tuyến hợp pháp mà Nga cần bảo vệ không, thay vì coi đó là một khu vực không có hoạt động chiến đấu như họ từng làm kể từ mùa thu năm 2022.
Theo ISW, trong khi Nga đầu tư mạnh vào việc xây dựng công sự dọc theo biên giới quốc tế, nước này vẫn chưa phân bổ đủ nhân sự và thiết bị cần thiết để bảo vệ hiệu quả tuyến phòng thủ này.