Augusta Ada King, nữ bá tước Lovelace, thường được gọi là Ada Lovelace, là một nhà toán học và nhà văn. Bà đã có những đóng góp đáng kể cho lĩnh vực khoa học máy tính trong thế kỷ 19.
Ada Lovelace được công nhận là lập trình viên máy tính đầu tiên trên thế giới và được tôn vinh là người tiên phong cho phái nữ trong các lĩnh vực STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học).
Cha nghệ thuật, mẹ học thuật
Ada Lovelace sinh năm 1815 ở London, Anh. Cha bà là Lord Byron- nhà thơ lãng mạn vĩ đại bậc nhất Anh Quốc, mẹ là Anne Isabella Milbanke- một nhà toán học và nhà cải cách giáo dục.
Cha mẹ của Lovelace ly thân khi bà còn nhỏ. Mẹ đã nuôi dạy bà chú trọng vào lĩnh vực khoa học, toán học và logic.
Lovelace sớm phát triển và mẹ đã thuê gia sư dạy bà các chủ đề nâng cao như đại số, hình học và giải tích.
Lovelace được nhiều gia sư trứ danh giảng dạy, phải kể đến Mary Somerville, nhà thiên văn học–toán học người Scotland và là một trong những phụ nữ đầu tiên được gia nhập Hiệp hội Thiên văn học Hoàng gia Anh.
Mặc dù con có năng khiếu toán học, mẹ của Lovelace rất lo lắng về ảnh hưởng chất nghệ sĩ "vô định và mơ hồ" của cha Lovelace đối với quá trình nuôi dạy con gái.
Do đó, bà luôn nhấn mạnh vào tư duy hợp lý và logic trong giáo dục con gái. Cách tiếp cận này có tác động đáng kể đến suy nghĩ và sự nghiệp của Lovelace sau này.
Cuộc gặp đổi đời
Năm 17 tuổi, Ada Lovelace gặp nhà bác học Charles Babbage (cha đẻ của công nghệ máy tính và là người phát minh ra máy tính cơ học đầu tiên).
Ông đã nhận ra tài năng phi thường và sắp xếp cho bà theo học toán cao cấp tại Đại học London (Anh).
Lovelace rất hứng thú với những sáng chế của Babbage. Ông dự định thiết kế 1 cỗ máy có khả năng tính toán lập trình, tính toán những phép toán khó.
Bản thân Babbage quan tâm nhiều hơn đến các khía cạnh kỹ thuật của máy móc và không giỏi phân tích toán học như Lovelace. Chuyên môn toán học và khả năng suy nghĩ sáng tạo về tiềm năng của máy móc đã khiến Lovelace trở thành cánh tay đắc lực của Babbage.
Bà làm việc với Babbage trong nhiều năm. Trong thời gian đó, bà đã viết nhiều bản phụ chú tỉ mỉ về máy phân tích (Analytical Engine) (xuất bản năm 1843) và nghiên cứu chi tiết về cách vận hành của máy tính.
Các bản phụ chú này được ghi nhận là chương trình máy tính đầu tiên trên thế giới. Lovelace cũng được ghi nhận là "bà tổ nghề lập trình viên".
Di sản khoa học và nữ quyền
Những đóng góp của Lovelace cho lĩnh vực khoa học máy tính không được công nhận rộng rãi khi bà còn sống. Tuy vậy, những ý tưởng của bà có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của ngành máy tính hiện đại.
Những bản phụ chú của bà về máy phân tích được nhà toán học-khoa học Alan Turing khám phá lại vào giữa thế kỷ 20. Đây được coi là một công trình có tầm nhìn tiên đoán sự phát triển của phần mềm máy tính.
Ngày nay, máy tính không chỉ được sử dụng để tính toán còn để sáng tạo nghệ thuật, âm nhạc và các hình thức khác.
Ngôn ngữ lập trình Ada, được đặt tên để vinh danh Ada Lovelace, được sử dụng trong nhiều ứng dụng, bao gồm hàng không, hệ thống tài chính và quân sự.
Cuộc đời và cống hiến của Lovelace được tôn vinh như một người phụ nữ tiên phong hiếm hoi trong lĩnh vực STEM.
Vào thời điểm sự tham gia của phụ nữ vào khoa học và toán học bị hạn chế và thường không được khuyến khích, Ada Lovelace đã chứng minh thực lực và cho thấy phụ nữ cũng không kém tài.
Tử Huy