Đây là hoạt động thiết thực góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, giáo dục học sinh, sinh viên về tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc.
Chiều 19/12, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi “Tìm hiểu về lịch sử truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam”.
Cuộc thi phát động từ tháng 5/2022, sau 7 tháng, Ban Tổ chức cuộc thi đã nhận được gần 20.000 tác phẩm. Với 123 tác phẩm vào vòng chung khảo, Ban Tổ chức đã quyết định công nhận trao giải cho 12 tác phẩm xuất sắc và 02 tập thể, trong đó có 01 tác phẩm đoạt giải Nhất; 02 tác phẩm giải Nhì; 03 tác phẩm giải Ba; 06 tác phẩm đoạt giải Khuyến khích và 02 tập thể có nhiều tác phẩm dự thi, đạt chất lượng tốt.
Cuộc thi nhằm đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về dân tộc và truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc; các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, những giá trị của tôn giáo đối với đời sống xã hội. Cuộc thi cũn góp phần phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
'Tìm hiểu về lịch sử truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam' cũng nhằm khơi dậy tinh thần ham mê học lịch sử, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, trách nhiệm của tuổi trẻ Việt Nam trong quá trình tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. K
Báo cáo tổng kết cuộc thi, nhà báo Triệu Ngọc Lâm, Tổng Biên tập Báo Giáo dục và Thời đại, Trưởng ban tổ chức, cho biết: Cuộc thi “Tìm hiểu về lịch sử truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam” nhằm đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về lịch sử dân tộc, truyền thống dựng nước và giữ nước, đoàn kết dân tộc, bồi đắp tinh thần yêu quê hương đất nước,… các tấm gương tiêu biểu trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hiện nay cho các giáo viên, sinh viên và học sinh cả nước.
Cuộc thi cũng là kênh tuyên truyền rộng rãi về các giá trị đạo đức, nhân cách con người Việt Nam cho thế hệ trẻ. Biểu dương những gương mặt tiêu biểu của học sinh, sinh viên, giáo viên trong học tập, vượt khó vươn lên đặc biệt là những tấm gương các đồng bào dân tộc thiểu số. Những mô hình tiên tiến trong bảo vệ môi trường, giữ gìn những nét bản sắc văn hóa dân tộc được mọi tầng lớp nhân dân biết đến, học hỏi và phát huy. Giúp học sinh, sinh viên nâng cao nhận thức về pháp luật, hiểu được giá trị tích cực, nhân văn về tín ngưỡng, tôn giáo.
Từ số lượng tác phẩm dự thi, ông Triệu Ngọc Lâm nhận định cuộc thi đã lan tỏa cũng như tạo sức hút, quan tâm của đông đảo độc giả, các tầng lớp nhân dân đến với lịch sử nước nhà, nâng cao niềm tự hào dân tộc.
Ở một số địa phương, cơ sở giáo dục đã tổ chức chấm và chọn những tác phẩm chất lượng để gửi về Ban tổ chức cuộc thi. Nhiều Sở GD&ĐT tham gia với đông đủ bài thi của giáo viên và học sinh trong toàn Ngành. Tiêu biểu là các Sở GD&ĐT: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Phú Thọ, Bình Dương, Cần Thơ…
Theo đánh giá của Ban Giám khảo, chất lượng các tác phẩm dự thi khá tốt. Nhiều tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc, bởi có sự đầu tư công phu từ nội dung cho đến hình thức thể hiện. Phần lớn các tác phẩm viết về chủ đề lịch sử dân tộc và tinh thần yêu nước. Mỗi tác giả lại có một cách tiếp cận và cảm nhận khác nhau về đề tài mình lựa chọn.
Các tác giả không chỉ dày công nghiên cứu, đầu tư vào nội dung tác phẩm mà còn sáng tạo trình bày theo những cách thức mới mẻ, lồng ghép hình ảnh và clip công phu, sinh động. Có tác phẩm còn được phiên dịch sang tiếng Anh. Điều này có ý nghĩa vô cùng to lớn, góp phần đưa lịch sử Việt Nam đến gần hơn với quốc tế, để mọi người trên khắp các châu lục được biết đến có một Việt Nam anh hùng như thế.
Là tác giả đạt giải Nhất tại cuộc thi, cô Nguyễn Thị Sang, giáo viên Trường THCS Giấy Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ cảm thấy bất ngờ, xen lẫn xúc động khi hay tin giành giải. Cô Sang bộc bạch: "Khi viết tác phẩm, bằng sự cố gắng cùng đam mê, lòng yêu nước, tôi đã biến ý tưởng thành tác phẩm hoàn chỉnh. Cuộc thi không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với tôi mà còn với các thành viên trong gia đình, những người đã hỗ trợ hết mình để tôi đạt được kết quả hôm nay".
Tác phẩm của cô Nguyễn Thị Sang có chủ đề "Tự hào Việt Nam". Tác phẩm gồm 5 chương: Chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam; Những giá trị của tôn giáo đối với đời sống xã hội, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hiện nay; Phát huy, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hiện nay và Giáo dục chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh cho học sinh Trường THCS Giấy Phong Châu.
Đoàn Bồng, Duy Tuấn, Văn Công