Đến nay, Phạm Hoàng Công đã trải qua 35 ngày rong ruổi, cắm trại một mình trên đỉnh Tà Xùa (Sơn La). Hôm 15/7, chàng trai 29 tuổi xách balo lên, một mình rời Hà Nội đến Tà Xùa với dự định tìm nơi vắng người cắm trại, “trốn dịch” vài ba ngày. Tuy nhiên, khi chưa kịp trở về, anh bất ngờ nghe tin Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 từ 6h ngày 23/7.
Tuy cũng có chút lo lắng vì việc kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng nhưng thay vì suy nghĩ quá nhiều hay tìm cách nhanh chóng trở về Hà Nội, Công quyết định ở lại Tà Xùa: tận hưởng phong cảnh, trải nghiệm cuộc sống giữa thiên nhiên
Không gian thơ mộng nơi Công cắm trại
Những ngày thảnh thơi “ăn giữa núi, ngủ giữa rừng”
Đã lâu lắm rồi, chàng trai trẻ mới có cơ hội gác lại công việc, rời xa thành phố xô bồ để trải nghiệm những ngày thảnh thơi đích thực. Chào ngày mới bằng ly cà phê và bữa sáng gọn nhẹ, Công bắt đầu đọc sách, ngắm cảnh, viết lách, nghe nhạc, thỉnh thoảng chụp hình, quay video ghi lại cuộc sống giữa núi rừng Tây Bắc.
“Mình gạt hết những âu lo để tận hưởng khoảng thời gian này. Mình không nghĩ mình bị kẹt vì nghe từ đó hơi tù túng. Mình nghĩ, mình may mắn lạc tới Tà Xùa thì đúng hơn”, chàng trai lạc quan chia sẻ.
Hoàng Công bất ngờ 'bị lạc' giữa Tà Xùa
Vốn là người hay xê dịch, có kinh nghiệm du lịch trải nghiệm nên khi quyết định đi Tà Xùa cắm trại, Công đã chuẩn bị nhiều đồ dùng quan trọng như lều, tấm tarp chống mưa nắng, túi ngủ, gối hơi, võng, bàn ghế dã ngoại, bộ nồi, dao, dĩa, đèn chiếu sáng, đèn trang trí, sạc dự phòng loại 120.000 mAh có thể nạp điện thoại và đèn tích điện, đủ dùng trong khoảng 20 ngày.
Điều duy nhất khiến Công gặp chút bất tiện là anh chàng chỉ mang 3 bộ quần áo, 1 khăn tắm và chút đồ dùng cá nhân.
Thay vì căng thẳng tìm cách về Hà Nội, Công quyết định ở lại Tà Xùa
Cứ 2 - 3 ngày, Công lại dịch chuyển địa điểm cắm trại sang một khu đồi, núi vắng vẻ khác nhau để thay đổi không gian. Công thường chọn địa điểm không quá xa thôn bản, nơi có dân cư sinh sống để dễ dàng mua thực phẩm hay cắm nhờ sạc dự phòng.
Tuy nhiên, anh hạn chế tiếp xúc nhất có thể để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh. “Ở đây thực phẩm rất rẻ, chỉ cần 80 - 100 ngàn là mình có thể mua đủ đồ ăn cho 1 - 2 ngày”, Công cho hay. Đó cũng là lí do mà hơn 1 tháng trôi qua, chàng trai vẫn không quá lo lắng về chi phí khi “lạc” ở Tà Xùa.
Sống thảnh thơi, tận hưởng thiên nhiên với tinh thần lạc quan
Cảnh đẹp và không khí trong lành nên Công thường ngồi đọc sách đến 10 giờ mới chuẩn bị nấu cơm trưa. Bữa tối anh thường chọn ăn uống đơn giản, 2 củ khoai tây và ít đồ nướng nhẹ, ăn xong uống cốc trà nóng rồi đi ngủ.
"Mọi người thường nghĩ ở một mình trên núi sẽ buồn nhưng mình lại thấy rất vui, vì mình chọn những chỗ cắm trại có view đẹp nên ở cả tháng cũng không thấy chán, chỉ hơi nhớ nhà, nhớ việc thôi", chàng trai hài hước nói.
Cuộc sống cứ chầm chậm trôi, khác hẳn nhịp sống của chàng trai trẻ khi ở thành phố. Vào ngày thứ 15 thì Công phát hiện mình đang mọc răng khôn. “Mình đau răng và sốt nhẹ nên phải nấu cháo ăn cầm chừng. May mắn là sau 2 ngày, chiếc răng không còn đau nữa”, Công cho hay.
Sống thảnh thơi, tận hưởng thiên nhiên với tinh thần lạc quan, sau hơn một tháng, chàng trai… “tăng nhẹ” 4kg.
Biến biến cố thành cơ hội
Việc phải ở lại Tà Xùa trong thời gian dài như vậy nằm ngoài dự định của Hoàng Công. Người tiêu cực có thể xem đó là biến cố, là điều không may mắn khi phải ở lại nơi xa lạ, tạm trì hoãn công việc, rời xa gia đình.
Nhưng với Công, anh chàng lại xem đây là cơ hội để được nghỉ ngơi, tận hưởng cuộc sống ngay giữa thời điểm dịch bệnh. Công có nhiều thời gian dành cho bản thân hơn và cũng có thời gian để thực hiện dự định ấp ủ lâu nay, đó làm video, viết bài chia sẻ về du lịch Tây Bắc, du lịch Tà Xùa.
“Khi trở về mình sẽ làm video chia sẻ với mọi người cách mình sinh hoạt tại rừng núi Tây Bắc trong hơn một tháng như việc nấu ăn, tắm, vệ sinh cá nhân. Và mình cũng sẽ chia sẻ những hình ảnh cực kì đẹp về vùng đất này. Xem chúng, mọi người sẽ hiểu, tại sao mình hạnh phúc khi được ở đây”, Công chia sẻ.
Cảnh đẹp tại Tà Xùa khiến Công say đắm
Hoàng Công bắt đầu thích đi cắm trại từ năm 2016. Khi đó, anh là người sáng lập nhóm phượt theo cách mộc mạc ở Hà Nội. Mỗi khi có dịp, các thành viên lại rủ nhau rong ruổi khắp vùng núi Tây Bắc để tìm hiểu văn hoá, ẩm thực và cảnh đẹp của Việt Nam.
Cứ cách 1-2 tháng, Hoàng Công lại xách balo lên và đi. Anh thường đồng hành với nhóm bạn hoặc người thân có chung đam mê, sở thích.
Nhớ lại hồi tháng 3/2021, Công có chuyến đi cắm trại ở trong rừng thông trên Mù Cang Chải (Yên Bái), chuyến đó là lần đầu chàng trai đi một mình, lại ở trong rừng nên cũng hơi bỡ ngỡ nhưng đến nơi thì cảnh đẹp làm anh quên hết âu lo lúc ban đầu.
Chỗ Công cắm trại là một rừng thông già, ở giữa rừng có một cái hồ nước do suối chảy xuống và đọng lại, trên bờ có bãi cỏ xanh mướt nên anh quyết định hạ trại ở đấy, mọi thứ đều bình thường cho đến khi trời tối mưa rào ập xuống nhưng may không bị ướt, ngập
Căn lều đồng hành cùng Công trong chuyến du lịch dài ngày
Mỗi chuyến đi đều để lại cho Công những trải nghiệm tuyệt vời. Công cho rằng, tuổi trẻ thì cứ đi cứ trải nghiệm, để sau này không phải luyến tiếc. “Bị kẹt giữa thiên nhiên là một trải nghiệm thú vị đó chứ, đâu phải ai cũng được trải qua”, Công lạc quan nói.
Linh Trang