Đường lên Eo Bù - Chút Mút đang rộng mở
Bản Eo Bù - Chút Mút thuộc xã Lâm Thủy, cách trung tâm huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) khoảng 70km, có 67 hộ gồm 274 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc thiểu số Vân Kiều.
Sau ngày đất nước thống nhất, một nhóm người Vân Kiều đã kéo nhau về định cư tại vùng Eo Bù, cách địa điểm này hơn 10 km. Năm 1992, do một trận lũ lớn làm trôi nhiều ngôi nhà ở bản, mọi người buộc phải di cư sâu vào vùng Chút Mút (giáp với biên giới Việt - Lào) và lập nên bản Eo Bù - Chút Mút.
Trước đây, đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn do thiếu điện, thiếu đường. Từ trung tâm huyện lỵ Lệ Thủy đến với bản Eo Bù - Chút Mút phải mất một ngày đường, với nhiều loại phương tiện, kể cả đi bộ. Vì thế, vùng đất biệt lập giữa rừng Trường Sơn này càng xa xôi cách trở hơn.
Bằng sự nỗ lực rất lớn của tỉnh Quảng Bình và hỗ trợ của Bộ GTVT, năm 2013, đường 565 (tỉnh lộ 16 cũ) được đầu tư cải tạo, đến năm 2017 được nâng cấp thành quốc lộ 9B và 9C. Hai tuyến quốc lộ rộng rãi và đẹp như những dải lụa uốn lượn giữa núi rừng dẫn về các bản làng xa ngái phía Tây của tỉnh, trong đó có bản Eo Bù-Chút Mút, đưa nơi này gần hơn với miền xuôi, đồng thời đặt dấu ấn quan trọng cho tiến trình mở cửa khẩu Chút Mút-Lạ Vin.
Sau đường là đến điện
Năm 2014, Đoàn Kinh tế - quốc phòng 79 (Binh đoàn Tây Nguyên), đã đầu tư xây tuyến đường dây trung thế dài gần 14km, hơn 3km đường dây hạ thế, 3 trạm biến áp về bản. Hai năm sau, trận bão lịch sử gây thiệt hại nặng cho Quảng Bình đã “cắt” tuyến đường điện này. Đến đầu 2019, việc khôi phục lưới điện mới thực hiện được.
Công trình đã hoàn thành, mang lại niềm vui cho bà con bản làng.
Hệ thống loa phát thanh thông báo tình hình hoạt động của Bản, trẻ con vui chơi dưới ánh đèn chiếu sáng của đường giao thông, nhà nhà sử dụng thiết bị điện tử. Có điện người dân tiếp cận được với các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các biện pháp phòng tránh dịch bệnh thông qua các thiết bị truyền thông.
Hiện, 68 hộ dân bản Eo Bù-Chút Mút (278 nhân khẩu) đã có điện sử dụng. Trong đó, 100% hộ đã mua nồi cơm điện, quạt; 50% hộ đã có ti vi, loa máy; 70% hộ mua được tủ lạnh để tích trữ thức ăn, làm đá, kinh doanh nước giải khát.
Cũng từ khi có điện lưới đồng bào dân tộc đã đầu tư thiết bị máy móc phục vụ sản xuất trong đó có 02 hộ mua máy xay xát, 06 hộ phát triển nghề mộc bằng các dụng cụ chạy bằng động cơ điện.
Ông Hoàng Long, một người dân ở bản Eo Bù-Chút Mút tâm sự: “Trước đây, không có điện nên muốn làm việc gì cũng khó. Từ ngày có điện, tôi đã mua máy xay xát, máy làm mộc, làm các công trình phục vụ cho bà con trong bản. Nhờ đó, tôi có việc làm thường xuyên, kinh tế trong nhà cũng được cải thiện đáng kể”.