Trên đường đi học cùng anh trai ở khu ngoại ô Andheri của thành phố Mumbai, Ấn Độ vào sáng ngày 22/1/2013, cô bé Pooja Gaud (7 tuổi) đã bị đối tượng Henry Joseph D'Souza dụ dỗ bằng que kem và bắt cóc. Động cơ bắt cóc của D'Souza là vợ chồng hắn không có con.
Để đề phòng bị người khác phát hiện, D'Souza đưa Pooja đến một nhà trọ ở bang Karnataka. Tên của bé gái cũng bị đổi thành Annie D'Souza. Tuy nhiên, những ngày tháng sống êm ấm của Pooja không kéo dài lâu khi hai vợ chồng kẻ bắt cóc sinh được con. Cô bé đáng thương bị bắt làm toàn bộ việc nhà, và còn bị phân biệt đối xử thậm tệ.
Vào năm 2022, ở tuổi 16, Pooja gần như không còn nhớ gì về người thân trong gia đình sau thời gian dài sống chung với 2 kẻ bắt cóc. Thậm chí, ngay cả khi D'Souza đưa gia đình về sống cách nhà bố mẹ Pooja vài trăm mét, thiếu nữ vẫn không nhận ra khung cảnh thân quen.
Trong một lần say rượu, D'Souza đã buột miệng nói rằng Pooja không phải là con đẻ. Từ đây, cô gái trẻ bắt đầu hành trình tìm kiếm người thân.
Cô gái cùng một người bạn lên mạng và gõ từ khóa tìm kiếm “Pooja mất tích”. Họ đã phát hiện một tấm poster tìm người mất tích vào năm 2013. Trên poster có 5 số điện thoại, nhưng 4 số không thể liên lạc. May mắn, một số điện thoại cuối cùng thuộc về Rafique, người hàng xóm của gia đình nhà Pooja, vẫn gọi được.
Pooja đã gọi cho ông Rafique, và người đàn ông nhanh chóng nhận ra cô bé. Ông sắp xếp để Pooja được nói chuyện với mẹ đẻ, và người mẹ đã nhận ra giọng con ngay lập tức.
Sau đó, cảnh sát địa phương nhận được thông tin, định vị được nơi Pooja đang sống. Thiếu nữ 16 tuổi đã được đoàn tụ với mẹ và anh trai vào tháng 8/2022. D'Souza (50 tuổi) bị cảnh sát bắt giữ với cáo buộc bắt cóc trẻ em và lao động cưỡng bức. Vợ của đối tượng có tên Soni (37 tuổi) được xác định là đồng phạm.
Đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần
Việc Pooja bị bắt cóc từng được nhiều tờ báo lớn ở Ấn Độ đưa tin. Trong những năm sau đó, Pooja được đặt bí danh Bé gái số 166.
Trở về nhà sau 9 năm bị giam cầm, Pooja đối mặt với chấn thương thể chất và tâm lý nghiêm trọng. Do bị lạm dụng thể chất nhiều năm nên cơ thể của Pooja đã mắc nhiều loại bệnh. Vết thương tâm lý khiến cô gái thường bật khóc mỗi khi kể lại cuộc sống “địa ngục” ở nhà bố mẹ nuôi.
Mẹ của Pooja là bà Poonam Gaud trở thành trụ cột duy nhất trong gia đình sau khi người chồng qua đời vì bệnh ung thư vào tháng 2/2022. Bà vừa phải kiếm sống vừa lo chạy vạy vay tiền để chữa bệnh cho con gái.
“Chúng tôi tới bác sĩ khi thấy phần lưng của Pooja bị sưng lên. Con bé gặp khó khăn khi đứng lên ngồi xuống vào buổi sáng. Con bé còn cảm giác như có cục máu ở trong bụng. Bác sĩ đã cho con tôi thuốc uống, yêu cầu tôi chườm nước ấm vào lưng con bé 2 lần/ngày. Đây là hậu quả của hành vi lạm dụng mà con bé phải chịu đựng trong thời gian dài bị bắt cóc”, bà Poonam nói với Indian Express trong căn nhà ở vùng ngoại ô Andheri.
Pooja chia sẻ cô đã bị đánh đập nhiều lần tới mức bị chảy máu. “Khi bị giam cầm, cháu phải làm việc cả ngày, không có thời gian để ý tới những vết thương trên cơ thể. Chỉ cần phạm phải lỗi nhỏ, bà Soni cũng đánh cháu bằng cây lăn bột, hoặc thắt lưng da. Một lần bà ấy đánh vào đầu cháu bằng cây lăn bột, máu đã chảy thấm đẫm cả quần áo”, cô gái kể lại quãng đời đau khổ.
Cũng theo Pooja, do nhiều lần bị đánh đập và tát vào mặt, thính lực của cô bé đã bị suy giảm, tai không còn đeo được tai nghe.
Bác sĩ Danish Shaikh điều trị cho Pooja cho biết, “cô bé bị viêm ở vùng xương chậu. Cột sống, vùng cổ và thắt lưng đều có vấn đề, khiến cô bé bị gù và mắc nhiều bệnh. Thông thường, các vấn đề liên quan đến cột sống sẽ ảnh hưởng đến hết đời”.
Cũng theo bác sĩ, những tổn thương Pooja gặp phải là do bị đánh đập hay làm việc quá sức, nếu không được điều trị kịp thời đều dẫn tới biến chứng trong nhiều năm sau.
Vị bác sĩ đã khuyên gia đình nên để Pooja chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống. Tuy nhiên, chi phí là 15.000 – 20.000 rupee, và dù đã được hỗ trợ giảm xuống còn 8.000 - 10.000 rupee, gia đình Pooja vẫn không thể chi trả.
Số tiền ít ỏi mà bà Poonam kiếm được từ gánh đậu bán gần nhà ga Andheri, kèm theo việc con trai cả Rohit từng làm việc tại nhà máy nhưng phải nghỉ việc do khói bụi, khiến gánh nặng tài chính trong nhà càng nặng nề hơn.
“Gia đình đang gặp khó khăn kinh tế, cháu muốn quay lại với công việc trông trẻ. Nhưng cảnh sát đã yêu cầu cháu không được làm như vậy, vì cháu vẫn là trẻ vị thành niên”, Pooja buồn bã nói.
Pooja cho biết trong thời gian bị bắt cóc, cô bé còn bị cặp vợ chồng độc ác bắt trông trẻ thuê cho các gia đình để kiếm tiền. Số tiền 20.000 rupee mà Pooja kiếm được đã bị họ lấy đi.
Chấn thương tâm lý cùng việc phần lớn thời gian bị nhốt ở nhà trong suốt 9 năm bị bắt cóc, nên tính cách của Pooja có phần lầm lì, hay quên, dễ cáu kỉnh và không muốn đi ra ngoài.
“Khi cháu trở về nhà, một vài người bạn đã cố gắng dạy cháu cách chơi những trò chơi thời thơ ấu. Nhưng cháu không nhớ được gì. Các bạn rủ cháu ra ngoài, nhưng cháu đã quá quen với việc bị nhốt trong nhà. Đôi khi vào ban đêm, cháu nhớ lại những vụ đánh đập của bố mẹ nuôi. Cháu kể lại với mẹ và bắt đầu khóc, bởi đó là những chuyện cháu nhớ rất rõ”, Pooja nói.
Thú vui duy nhất của Pooja là vẽ. Đây cũng là sở thích từ hồi nhỏ của thiếu nữ. Cô bé cũng thích xem những bộ phim hành động trên điện thoại.