Mới đây, chúng tôi xuống Tiền Giang để thăm Trung tướng Nguyễn Việt Thành (còn gọi Tư Bốn) khi hay tin ông vừa nằm viện trở về vì đau bao tử .
Ông là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND), nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - vị tướng từng làm Trưởng ban chuyên án vụ triệt phá tập đoàn tội ác Năm Cam - 2001.
Trước khi nhậm chức Phó tổng cục trưởng (1999), ông là Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, cấp hàm Thiếu tướng.
Ông được phong danh hiệu AHLLVTND từ năm 1976 do có nhiều chiến công trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong suốt cuộc chiến đấu từ khi mới 14 tuổi cho đến kết thúc chiến tranh, ông đã bị thương cả thảy 7 lần.
Sau khi nghỉ hưu, cũng như nhiều cán bộ Nam Bộ thoát ly, ông trở về quê hương, sống cuộc đời đạm bạc và thanh thản cùng người thân ruột thịt và họ hàng chòm xóm.
Năm nay, ông 77 tuổi.
Trong chiến tranh, ông từng bị địch bắn thủng hai lỗ trong dạ dày và phải mổ tại chỗ không có thuốc mê, không có bác sĩ . Mổ xong phải bít mật ong xung quanh vết mổ để tránh nhiễm trùng, phải truyền dịch bằng nước trái dừa tươi cắt trên cây xuống vì không có huyết tương như ở bệnh xá (mà cũng phải ưu tiên ca nặng mới được truyền bởi vùng đó chiến sự ác liệt, cây cối trụi lủi cả).
Không có trong kế hoạch, chúng tôi được ông Tư Bốn rủ sang nhà bác ruột ông dự đám giỗ. Bác là liệt sĩ hy sinh từ năm 1966. Khi đó, tôi mới biết thân phụ ông cùng 2 anh trai ông cũng là liệt sĩ. Ông bảo, mấy khi các nhà báo về quê tôi. Sang dự để biết thêm.
Anh Hai Đấu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang ngồi cùng mâm với anh em tôi cho biết, toàn xã này có 343 liệt sĩ qua các thời kì. Hàng năm, ngoài hai ngày giỗ chung là 27/7 - ngày Thương binh, liệt sĩ và 27 tháng Chạp thì có ngày xã có đến 7-8 đám giỗ liệt sĩ, bởi họ cùng tham gia một trận đánh và cùng hy sinh.
Ông Tư Bốn nói vui, nhà tôi, các con đều ở xa nên chỉ còn mỗi vợ chồng già. Vậy mà hai vợ chồng cũng ít ngồi ăn cơm cùng vì đi dự đám giỗ suốt tuần. Nhiều khi cả hai vợ chồng ông còn phải phân công nhau một bữa toả đi 2 đám giỗ. Riêng ông, không đến dự được với nhà nào thì bà con nhà đó mất vui .
Tôi hỏi anh Hai Đấu thì anh nói: "Bác Tư nói đúng đó anh à! Bác là niềm tự hào của bà con trong xã bởi chính nhờ có bác, nhờ uy tín của bác mà nhiều nơi đã giúp xã Thanh Bình năm ngoái xoá hẳn hộ nghèo".
Mọi người rất phấn khởi bởi bác đi vận động nhiều nhà hảo tâm đến giúp đỡ quê nhà để xây dựng các trạm y tế, nhà văn hoá thôn, xã, đổ đường bê tông, nghĩa trang... Thậm chí bác Tư còn vận động các mạnh thường quân giúp cả nhiều xã khác nữa trong huyện...
Có một bác gái còn nói vui với tôi: "Nhờ có bác Tư Bốn mà quê tui mới khởi sắc như bây giờ về nhiều mặt. Trước đây vốn đã nghèo khó lại còn phức tạp về trật tự, trị an. Không khéo đã không phải là xã được mang tên Thanh Bình mà phải đổi thành xã…'Tanh Bành' cũng nên...".
Về quê sống vui thú với vườn tược, không khí mát mẻ đầy ắp tình người như ông, thật là hạnh phúc. Ông khoe với tôi mỗi năm thu hoạch được dăm tấn cá nuôi trong ao và rạch quanh vườn nhà cùng với khoản thu vài ba trăm triệu đồng trồng trái thanh long.
Một bác ngồi cùng mâm với tôi nói nhỏ: "Anh Tư sống tình cảm, dân ai cũng yêu quý ảnh".
Tuy đã nghỉ hưu từ năm 2007 nhưng nhà bác vẫn rất đông khách đến thăm. Nhiều người tìm đến bác, tự giới thiệu chỉ do đọc sách báo nên biết bác đã sống một lòng vì nước, vì dân trong chiến đấu chống Mỹ. Khi hoà bình thì góp phần bảo vệ cuộc sống thanh bình cho dân nên họ cảm phục mà tìm đến. Tất cả chỉ mong được chụp một tấm hình làm kỷ niệm với một vị anh hùng.
Tôi có tò mò hỏi vì sao nhiều người tìm đến ông dù chiến tranh đã lùi xa?
Thì ra ông đã sáng chế ra chiếc "súng cao su khổng lồ" bắn... lựu đạn mà tôi chưa thấy trên thế giới có.
Đọc trên báo, tôi mới biết rằng, năm 1969 ông là Đại đội trưởng Đại đội vệ binh có nhiệm vụ bảo vệ an toàn các lãnh đạo Tỉnh ủy Mỹ Tho (nay là Tiền Giang). Lúc đó, phía ta gặp nhiều khó khăn về vũ khí, nhân lực...
Theo gợi ý của ông Lê Văn Phẩm, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, ông Tư Bốn nghiên cứu làm dàn ná thun để bắn lựu đạn. Công trình này tưởng như đơn giản nhưng cực kỳ khó khăn. Đó là phải làm sao để trái lựu đạn phóng đi nhanh, xa và trúng vào mục tiêu của địch.
Qua nhiều lần thất bại, cuối cùng ông và đồng đội đã chế tạo thành công dàn ná thun để đánh địch. Cụ thể, ông sử dụng 5kg sợi thun, thắt thành 2 sợi dây thun dài, chọn 2 cây vững chắc làm trụ để buộc dây thun.
Để bắn lựu đạn, ông và 7 người khác phân công như sau: Một người leo lên cây cao quan sát, nhắm tọa độ của địch, điều chỉnh cự ly, thời gian đủ để lựu đạn rơi chạm đất mới nổ.
Anh em chiến sĩ sẽ kéo căng 2 sợi dây thun, lắp lựu đạn và thực hiện thao tác phóng lựu đạn. Lựu đạn dùng để bắn ná thun phải là loại M26 có hình dáng nhỏ, nhạy nổ do địch chế tạo. Ê kíp này phải thực hiện nhịp nhàng thì trái lựu đạn mới phóng đi chính xác.
Theo Tướng Thành, dàn ná thun bắn lựu đạn đi xa gần 300m, độ chính xác khoảng 95%. Nhờ dàn ná thun tự chế này, ông và các thành viên trong đại đội vệ binh đánh thắng nhiều trận, làm tiêu hao sinh lực địch và bảo vệ an toàn các lãnh đạo, không bị địch bắt. Cách đánh này sau đó được nhân rộng tại địa phương và các tỉnh bạn...
Về ưu điểm của bắn lựu đạn bằng dàn ná thun, Trung tướng Nguyễn Việt Thành chia sẻ: “Một là độ chính xác, hai là gây sát thương lớn, ba là nó không có hướng để bắn nên sự đối phó của địch rất khó khăn. Cái nữa là nó không cần lực lượng đông, chỉ cần 7-8 anh em được huấn luyện thì sẽ thắng cả tiểu đoàn, trung đoàn”.
Từ năm 1969 đến năm 1974, dàn ná thun của ông Tư Bốn sáng chế vang danh khắp các chiến trường, làm hoang mang trong hàng ngũ địch. Bản thân ông còn hướng dẫn cho các đơn vị của ta ở các chiến trường Long An, Bến Tre, Gò Công chế tạo dàn ná thun bắn lựu đạn.
Vị tướng cảnh sát được dân tin, yêu quý trọng khi trở về với đời thường như "lão nông tri điền Tư Bốn", nghĩ mà thấy trân quý ông bội phần trước một xã hội vẫn còn nhiều tiêu cực. Tôi càng thấu hiểu vì sao dân vẫn quý trọng những vị tướng hết lòng thương dân, vì dân, coi ông như vị già làng vậy.