Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Quốc gia về IUU sáng 13/7, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, việc EC cảnh báo “thẻ vàng” đã ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU. Con số sụt giảm hiện tại là 35% so với năm 2017.
Không chỉ vậy, Ủy ban Tài chính và Thuế vụ thuộc Hạ viện Hoa Kỳ giao Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC) đã tiến hành điều tra hải sản khai thác IUU nhập khẩu vào Hoa Kỳ và công bố kết quả điều tra về IUU.Trong đó nêu rõ, Việt Nam có xuất khẩu thủy sản đánh bắt IUU sang thị trường này.
Theo ông Tiến, điều này có thể tạo hệ lụy với các thị trường nhập khẩu thủy sản của Việt Nam.Ngoài ra, việcbị cảnh báo “thẻ vàng” và khắc phục “thẻ vàng” chậm, không hiệu quả sẽ làm ảnh hưởng xấu đến uy tín, vị thế, quan hệ ngoại giao của Việt Nam nói chung và ngành thủy sản nói riêng trên các diễn đàn khu vực và thế giới.
Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu tháng 10/2022 sẽ chấm dứt hoàn toàn tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài (ảnh: TL) |
Hiện nay, qua công tác nắm tình hình của các Bộ, ngành liên quan đang có nhiều thông tin ngoài nước từ các tổ chức quốc tế liên quan và nước thứ ba cạnh tranh với Việt Nam xuất khẩu sản phẩm thủy sản vào thị trường EU, có nhiều hoạt động tác động bất lợi đến nỗ lực của Việt Nam để gỡ cảnh báo “thẻ vàng”, gây sức ép với phía EC không gỡ cảnh báo “thẻ vàng’ cho Việt Nam. Thậm chí,đề nghị nâng lên cảnh báo “thẻ đỏ” vì Việt Nam chậm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các quy định quốc tế về chống khai thác IUU, ông Tiến nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho biết, sau gần 4 năm triển khai thực hiện, phía EC đã đánh giá cao và ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong triển khai các giải pháp chống khai thác IUU.EC cũng khẳng định Việt Nam đã có nhiều tiến bộ và đang đi đúng hướng; ghi nhận và đánh giá cao thiện chí, tinh thần hợp tác, sự minh bạch và trung thực của Việt Nam trong việc cung cấp thông tin, trao đổi giữa hai bên về kết quả triển khai chống khai thác IUU.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Phía EC yêu cầu Việt Nam phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa trong đảm bảo lộ trình lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá VMS, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi khai thác IUU; kiểm soát nguyên liệu hải sản khai thác nhập khẩu vào Việt Nam theo Hiệp định biện pháp quốc gia có cảng (PSMA)…. Đặc biệt là phải ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống khai thác IUU, sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng”, ông Tiến nêu rõ cần tập trung thực hiện ngay một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm.Trong đó cần thực hiện các biện pháp mạnh, đồng bộ, quyết liệt để ngay trong năm 2021 giảm ít nhất 40% số tàu cá vi phạm. Đến tháng 10/2022 chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài.
Kiểm tra, rà soát, hoàn thành việc lắp đặt thiết bị VMS trên tàu cá (đặc biệt là tại các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Trị, Trà Vinh, Quảng Ninh, Hà Tĩnh …); hoàn thành việc đánh dấu tàu cá, cấp Giấy phép khai thác thủy sản theo quy định; bảo đảm kiểm soát chặt chẽ tàu cá ra vào cảng; giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng; thực hiện công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản, đúng quy định của pháp luật.
Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, ban ngành và địa phương có liên quan mở đợt cao điểm trong năm 2021 để tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực vùng biển chồng lấn, chưa được phân định giữa Việt Nam và các nước.
Nghiên cứu, sử dụng các công cụ hỗ trợ như máy bay không người lái… để nâng cao hơn nữa hiệu quả giám sát hoạt động của tàu cá trên các vùng biển có nguy cơ cao dẫn đến hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài để kịp thời ngăn chặn, xử lý.
Bộ Công an chỉ đạo lực lượng trực thuộc tập trung tăng cường công tác điều tra, củng cố hồ sơ, trong năm 2021 khởi tố hình sự một số đường dây môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài…
Hà Giang