Theo Công an TP.HCM, thời điểm cận Tết Dương lịch và Tết Nguyên Đán là dịp nhiều người tăng cường mua sắm, chuyển tiền hoặc tìm kiếm việc làm thêm… Đây cũng là dịp những kẻ lừa đảo tung ra những "chiêu lừa" hết sức tinh vi nhằm chiếm đoạt tiền, tài sản hoặc thông tin cá nhân của người nhẹ dạ, cả tin.
Công an TP.HCM đã chỉ ra hàng loạt thủ đoạn lừa đảo nhằm giúp người dân nắm rõ.
Thủ đoạn lừa đảo đánh vào lòng tham, sự mất bình tĩnh
Về thủ đoạn lừa đảo nhắm vào lòng tham của người khác, Công an TP.HCM chỉ rõ các thủ đoạn gần đây được các đối tượng sử dụng nhiều.
Đó là, giới thiệu việc nhẹ lương cao, lừa đảo mua bán người; thanh toán đơn hàng ảo hưởng hoa hồng 10 - 15%; thông báo trúng thưởng và yêu cầu đóng phí nhận thưởng.
Hay như chiêu giả Việt kiều gửi quà, gửi tiền và yêu cầu đóng phí để nhận; giả điện lực thông báo hoàn trả phần tiền điện tính sai...
Trong đó, thủ đoạn mời gọi việc nhẹ lương cao, thanh toán đơn hàng ảo để hưởng hoa hồng… có nhiều người sập bẫy nhất. Điển hình, cách đây không bao lâu, chị L. (22 tuổi, quận Bình Thạnh) lang thang trên mạng tìm việc làm thêm. Một đối tượng chiêu dụ chị làm công việc nhẹ nhàng nhưng lương cao là xử lý đơn hàng online trên mạng xã hội.
Các đối tượng chiêu dụ, chỉ cần thao tác trên điện thoại, được thanh toán theo mỗi đơn hàng, hưởng hoa hồng 10 – 20%, trả theo ngày… Ban đầu, chị L. thanh toán các đơn hàng giá trị nhỏ thì lập tức được trả hoa hồng, nhưng đến khi đơn hàng giá trị cao thì nhanh chóng bị chiếm đoạt tiền. Tổng cộng chị bị lừa đảo gần 100 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Công an TP.HCM chỉ ra những thủ đoạn lừa đảo tinh vi của các đối tượng khi nhắm vào sự mất bình tĩnh của nạn nhân.
Đó là giả công an, tòa án, viện kiểm sát gọi điện yêu cầu hợp tác điều tra để được hỗ trợ chạy án, tránh mất tài sản; giả giáo viên gọi điện yêu cầu chuyển tiền để cấp cứu con em bị tai nạn... Hay thủ đoạn gọi điện dọa khóa sim vì chưa chuẩn hóa thông tin thuê bao...
Về thủ đoạn, giả danh cán bộ cơ quan tố tụng để gọi điện thoại “đe nẹt” người dân dính vào đường dây tội phạm này, vụ án nọ để uy hiếp tinh thần, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản chỉ định, vốn đã xảy ra từ lâu đến nay nhưng vẫn có người bị lừa.
Điển hình, giữa năm nay, ông L. (61 tuổi, ngụ TP.HCM) đã trình báo về việc bị lừa số tiền 15 tỷ đồng. Ông L. nhận cuộc gọi của người xưng là cán bộ công an. Người này đe doạ ông có dính đến đường dây tội phạm, nay có lệnh bắt giam. Người này gọi video để minh chứng và chuyển máy cho ông gặp một người tự nhận là thiếu tướng, cục trưởng 1 đơn vị công an.
Thiếu tướng "dỏm" tiếp tục dùng lời lẽ uy hiếp và yêu cầu ông L. chuyển tiền vào các tài khoản để kiểm tra, nếu không có vấn đề gì sẽ trả lại. Đến khi phát hiện bị lừa thì gần 15 tỷ đồng trong tài khoản của ông L. đã bị mất sạch.
Thủ đoạn giả giáo viên gọi điện yêu cầu chuyển tiền để cấp cứu con em bị tai nạn, từ đầu năm đến nay bùng phát tại TP.HCM. Vì nhận tin về con đang nguy kịch, nhiều phụ huynh nôn nóng, mất bình tĩnh đã chuyển tiền từ vài chục đến vài trăm triệu đồng và sau đó họ chạy đến tận bệnh viện tìm con thì mới biết bị lừa một cách dễ dàng.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM có đặt vấn đề về các khả năng lộ, lọt thông tin.cá nhân học sinh, phụ huynh để các đối tượng sử dụng lừa đảo. Ban Giám đốc Công an TP.HCM cũng đã có chỉ đạo công an quận huyện, cơ quan điều tra thu thập thông tin và xử lý.
Sự thiếu hiểu biết của người dân là cơ hội cho tội phạm lừa đảo
Công an TP.HCM còn nêu rõ về các thủ đoạn của tội phạm lừa đảo nhằm vào sự thiếu hiểu biết của người dân. Đó là các chiêu thức như: giả công an gọi điện hỗ trợ đăng ký tài khoản định danh điện tử; giả nhân viên nhà mạng hỗ trợ nâng cấp sim.
Hay như chiêu: chiếm đoạt sim, tài khoản mạng xã hội nhắn tin mượn tiền; lừa đảo thông qua giả giọng, ghép mặt (deep fake) gọi điện mượn tiền; lừa đảo thông qua dịch vụ lấy lại Facebook bị hack...
Mới đây, tháng 8/2023, ông N. (47 tuổi) đã nhận điện thoại của người xưng cán bộ công an để hướng dẫn kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 2. Ông N. đã làm theo hướng dẫn của cán bộ công an đó và phát hiện bị lừa. Số tiền 1,1 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng đã không cánh mà bay.
Theo Công an TP.HCM, giai đoạn vừa qua, thủ đoạn giả công an gọi điện hỗ trợ đăng ký tài khoản định danh điện tử là bùng phát và chúng nhắm vào một bộ phận người dân chưa nắm bắt đầy đủ các thông tin liên quan đến việc cài đặt ứng dụng VNeID, kích hoạt tài khoản định danh điện tử.
Chúng gọi điện để giả công an, hướng dẫn, gửi đường link qua tin nhắn Zalo, Facebook... yêu cầu người dân truy cập vào, cài đặt phần mềm VneID giả mạo, có giao diện giống với ứng dụng VNeID thật của Bộ Công an. Làm theo các bước hướng dẫn trong ứng dụng giả mạo, người dân bị các đối tượng lừa truy cập, đọc dữ liệu cá nhân trên điện thoại.
Qua đó, các đối tượng cũng dễ dàng kiểm soát ứng dụng tài khoản ngân hàng để thực hiện các lệnh chuyển tiền trên điện thoại của nạn nhân.
Công an có thông báo rõ, với việc định danh điện tử mức 2, người dân phải trực tiếp đi làm do phải chụp ảnh, quét vân tay. Người dân phải đến trụ sở công an địa phương để được hướng dẫn trực tiếp; chỉ có duy nhất 1 ứng dựng là VneID của Bộ Công an được sử dụng kích hoạt định danh điện tử mức 2.