Từ lâu giới nghệ sĩ tạo hình Việt Nam đã biết đến họa sĩ Đỗ Đức (Đỗ Văn Đức) - người chuyên tâm vẽ và viết về miền núi phía Bắc. Trong sáng tác, ông luôn kiếm tìm tài liệu về sắc thái văn hóa của người dân tộc ở từng vùng.
Năm 1978, trong một lần dự hội diễn nghệ thuật quần chúng các dân tộc thiểu số toàn miền Bắc tại Khu Gang thép Thái Nguyên, Đỗ Đức tình cờ được chiêm ngưỡng những bộ sắc phục đẹp lạ thường như Pa Dí, Xá Phó, Lô Lô, Khơ Mú... không giản dị như Tày, Nùng; hào hoa như Thái; hay quen thuộc như Mông, Dao ông từng biết đến đến trước đó.
Những chuyến công tác miền núi sau này, ông âm thầm gom tư liệu bằng ký họa, chăm chỉ hỏi chuyện, tìm hiểu về nguồn gốc trang phục, sinh hoạt, văn hóa của từng tộc người.
Tác giả tự hỏi: “Tại sao chiếc khăn trên đầu người phụ nữ Dao Tiền Cao Bằng có màu trắng? Tại sao trong y phục của người Dao có thêu tua chồ (con chó)? Tại sao vạt áo người Pu Péo lại ghép hoa văn bằng những vụn vải nhỏ?”...
Theo ông, mỗi bộ trang phục đều có một “hồ sơ” về nguồn gốc, bởi vậy khi vẽ phải biết để cắt nghĩa cho việc tạo thành bộ váy áo. Từ quan niệm ấy, những nghiên cứu, ghi chép của ông sau mỗi lần đi dần dần được đưa vào tranh.
Đến tháng 6/2020, giữa hai đợt cách ly vì dịch Covid-19, họa sĩ Đỗ Đức tổ chức triển lãm cá nhân tại nhà riêng, giới thiệu những bộ trang phục của một số dân tộc phía Bắc được ông thực hiện trên sơn mài.
Sau đó, giá trị thiết thực của những tác phẩm trong triển lãm nhận được sự chú ý của một vị khách mời đặc biệt là Giám đốc Nhà xuất bản Mỹ thuật Đặng Thị Bích Ngân.
Mất hơn một năm chuẩn bị, cuốn sách tranh Trang phục và nét văn hóa của các dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam chính thức mắt độc giả vào năm 2022, ghi dấu công sức một đời “nặng lòng” với văn hóa dân tộc của người họa sĩ.
Với kết cấu 3 phần: Trang phục của một số dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam; nét văn hóa và đời sống của một số dân tộc thiểu số phía Bắc Việt Nam qua tản văn, tạp bút, truyện ngắn, phóng sự, ghi chép; tranh miền núi và cao nguyên đá. Cuốn sách “phác họa” những nét văn hóa sâu sắc và độc đáo của đồng bào các dân tộc nơi đây qua những bức tranh và ngòi bút của tác giả.
Trong tác phẩm này, NXB Mỹ thuật giới thiệu những tác phẩm tạo hình tiêu biểu và trên 40 bài viết về chủ đề trang phục, văn hóa các dân tộc thiểu số phía Bắc được họa sĩ Đỗ Đức thực hiện trong mấy chục năm.
Bộ tranh Sắc phục nhóm các dân tộc thiểu số miền Bắc tổng hợp hơn 60 bộ trang phục, được họa sĩ dày công thực hiện bằng phong cách đồng hiện, theo từng nhóm 5 bộ sắc phục trong một tranh. Tất cả được sắp xếp theo từng ngôn ngữ hệ khác nhau, lưu giữ được đến từng chi tiết những trang phục của các nhóm dân tộc H’Mông, Sán Chay, Cao Lan, Giáy, Bố Y, Pa Dí, Lựu, Tày, Nùng hoặc các nhóm dân tộc Lô Lô, Phù Lá, Dao, La Hủ, Hà Nhì, Cống, Si La, Tống…
Cuốn sách có giá trị bảo lưu đặc biệt quý với những bộ sắc phục đang dần biến mất.
Ngoài trang phục, bộ tranh Cao nguyên đá, Ngựa và các tác phẩm được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sưu tập của họa sĩ Đỗ Đức dẫn dắt người xem đến với phong cảnh và sinh hoạt, cũng như những tập tục của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc một cách chân thực và đa dạng.
Song song với thực hành hội họa, Đỗ Đức còn là người viết văn, làm báo. Vì vậy tập sách tuyển chọn, đưa vào nhiều bài tản văn, tùy bút, trường ca, ghi chép và cả những truyện ngắn về văn hóa dân tộc trên các vùng miền đất nước của ông như Cao nguyên đá, Trường ca cây khèn Mông, Pựt Kỳ yên, Đồng Văn phố cổ…
Qua đó, giúp độc giả hiểu biết thêm về những truyền thuyết, tín ngưỡng, vật tổ của từng nhóm dân tộc, ảnh hưởng đến sắc phục, phong cách sống và văn hóa của đồng bào miền núi phía Bắc để bóc tách những tầng văn hóa tích lũy trong nhiều thế hệ.