Sách viết theo trình tự thời gian vừa ra mắt vài tháng qua, thu hút sự quan tâm của độc giả, giới nghiên cứu, những người yêu lịch sử, văn hóa dân tộc.
Cuốn sách do TS. Vĩnh Đào và Nguyễn Thị Thanh Thúy viết, NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành với hàm lượng thông tin mới, khác với những cuốn trước khá nhiều.
Tác giả Nguyễn Thị Thanh Thúy chia sẻ với VietNamNet, sự khác biệt chính là cuốn sách có những thông tin như ngày sinh quê quán thật của Hoàng hậu Nam Phương; những hoạt động xã hội và thiện nguyện của Hoàng hậu Nam Phương, quan hệ của bà với giới thượng lưu, quý tộc Pháp; những công việc triều chính của Vua Bảo Đại; những câu chuyện tình cảm của Vua Bảo Đại và đặc biệt là quãng thời gian 16 năm ở Pháp của gia đình Hoàng hậu Nam Phương…
Cuốn sách chia làm 4 phần chính, theo trình tự thời gian cuộc đời của 2 nhân vật. Phần 1 - Thiếu nữ Nam Kỳ và hoàng thái tử triều Nguyễn, Phần 2 - Hoàng hậu và hoàng đế Đại Nam, Phần 3 - Những ngày bất an, Phần 4 - Từ lâu đài Thorenc đến gia trang Chabrignac và Những năm buồn tẻ của cựu hoàng.
“Tôi và TS. Vĩnh Đào đã có thời gian ròng rã suốt 3 năm trời thực hiện nhiều chuyến đi thực tế đến những nơi lưu dấu của Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương ở Việt Nam - từ Sài Gòn về Tiền Giang, rồi từ Tiền Giang về Thủ Đức, Chợ Lớn, Biên Hòa, lên Đà Lạt, Kon Tum, ra Quy Nhơn, Huế, Hà Nội… cùng những chuyến đi ở Pháp, đến những nơi nhà vua, hoàng hậu đã đi qua, sinh sống để tìm tư liệu. Mỗi nơi đến, chúng tôi có dịp gặp nhân chứng và hậu duệ của những người cùng thời, phỏng vấn nhiều nhân chứng trong và ngoài nước, trong đó có cựu thị trưởng làng Chabrignac để tìm hiểu, đối chứng”, tác giả Nguyễn Thị Thanh Thúy nói.
Bên cạnh đó, theo TS. Vĩnh Đào, cuốn sách còn biểu hiện từ sự dày công sưu tầm, khảo cứu từ nhiều nguồn tài liệu sách báo xuất bản trong và ngoài nước ở Thư viện Tổng hợp TPHCM, Thư viện Quốc gia Việt Nam, Trung tâm Quốc gia Văn khố Hải ngoại (Aix-en-Provence, Pháp), các thư viện của tu viện dòng Mến Thánh giá Chợ Quán, dòng Đức Bà, Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn… để sưu tầm, khảo cứu, xác minh, kiểm chứng thông tin một cách khách quan nhất có thể.
Được biết, TS.Vĩnh Đào tên thật là Nguyễn Phước Vĩnh Đào, sinh năm 1942, là con cháu hoàng tộc triều Nguyễn.
Ông Vĩnh Đào và Vua Bảo Đại cùng là cháu của hai anh em ruột Miên Định - Miên Tông. Nguyễn Phước Vĩnh Đào là cháu Miên Định (Thọ Xuân Vương), Nguyễn Phước Vĩnh Thụy (Vua Bảo Đại) là cháu của Miên Tông (Vua Thiệu Trị).
TS.Vĩnh Đào tốt nghiệp tú tài trường JJR - Lê Quý Đôn tại Sài Gòn năm 1961, tốt nghiệp cao học Văn chương Pháp trường Đại học Văn khoa. Ông từng dạy tiếng Pháp tại trường Trung Nguyễn Trãi trong những năm 1964 - 1966, sau đó làm việc tại Ngân hàng Quốc gia Việt Nam tại Sài Gòn năm 1966 - 1975.
TS. Vĩnh Đào nghiên cứu Văn học Pháp tại Đại học Sorbonne và bảo vệ luận án Tiến sĩ năm 1989. Sau đó ông làm việc tại Viện nghiên cứu quốc gia viễn thông Pháp trong những năm 1986 - 2008.
Còn tác giả Nguyễn Thị Thanh Thúy là một người con của xứ Dran, Lâm Đồng. Chị tốt nghiệp cử nhân Xã hội học. Chị Thúy đã thực hiện nhiều chương trình trao đổi văn hóa, tham luận, thuyết trình, giới thiệu sách… quanh chủ đề “Hoàng hậu Nam Phương - Lụa là muôn thuở” từ năm 2018 đến nay. Đây cũng chính là nhân duyên, động lực để tác giả cùng phối hợp với TS. Vĩnh Đào trong công trình - cuốn sách Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại.