Tác giả Minh Đào của cuốn sách Rồi cũng sẽ qua nhận định: “Giống như bao người lớn khác, cách chúng ta thường đối xử với những vết thương lòng là trốn tránh, phủ nhận, đè nén, nín lặng... để vấn đề ngừng phát ra tiếng kêu. Ta yên lặng nhưng không hề yên bình”.
Chính vì thế, tác phẩm của anh đi sâu vào việc bóc tách vấn đề và đưa ra các nút gỡ cho những vết thương tâm lý của người trẻ. Cuốn sách được chia làm 4 chương, theo trình tự của một khóa tham vấn tâm lý.
Chương 1 - Tình yêu, bắt đầu bằng câu hỏi lớn: “Mối quan hệ của bạn với chính mình đang ra sao?” Giúp bạn trả lời câu hỏi đó, tác giả cũng khẳng định, mối tình trắc trở nhất nhưng cũng cần học nhiều nhất là yêu bản thân.
Chương 2 - Sự hiểu, cùng bạn đi sâu vào khám phá bản thân với câu hỏi: “Nếu phải viết một cuốn tiểu sử về mình, bạn sẽ bắt đầu từ đâu?”, từ đó bạn sẽ đối diện trực tiếp với những lo lắng, nhạy cảm, cô đơn, nỗi sợ bị bỏ rơi. Tác giả khẳng định ai cũng có một câu chuyện phía sau, chỉ là họ có biết về nó hay không.
Chương 3 - Diễn đạt, là một nút gỡ: nếu có thể nói lên mình, diễn đạt điều mình nghĩ và mình muốn, một cách rành mạch và lành mạnh, bạn có thể tự mình vượt qua nỗi đau.
Và chương cuối, “Vượt qua”, là thông điệp “Sống là trải qua những thất vọng, mất mát, buồn lòng. Câu hỏi không phải là làm sao để loại bỏ chúng. Vì nỗi đau là cách tốt nhất để chúng ta trưởng thành”.
Chương 4 mang đến câu trả lời cho bạn, làm sao có thể sơ cứu, xoa dịu và chữa lành nỗi đau để bạn lại có thể đứng lên sau mỗi lần gục ngã, để tiếp tục dám tổn thương.
Bìa sách mô phỏng một người nằm dưới mặt nước và nhìn lên bầu trời. Các đám mây đại diện cho ưu phiền, buồn vui và đủ các tâm trạng. Nhưng tất cả rồi cũng sẽ qua, kể cả hạnh phúc hay đau khổ. Cái còn lại cuối cùng là con người mình, biểu hiện bằng hình khuôn mặt, với sự chấp nhận tính vô thường của mây và bình yên với đời. Nét vẽ tối giản và “ngây thơ” bằng sáp màu ám chỉ trong mỗi người đều có một đứa trẻ, chữa lành chính là chữa cho đứa trẻ trong mỗi chúng ta.