Câu chuyện khởi nghiệp đầy thăng trầm và kịch tính của Facebook sẽ mang đến cho doanh nhân nhiều bài học tâm đắc.
Thay vì mở đầu với câu chuyện khởi nghiệp của Mark Zuckerberg từ ký túc xá Đại học Harvard theo motif quen thuộc, Jeff Horwitz tập trung vào những biến động dữ dội của mạng xã hội lớn nhất hành tinh trong những năm gần đây.
Cuốn sách là phần mở rộng từ những câu chuyện chấn động được tiết lộ qua loạt bài Facebook Files trên New York Times.
Broken Code bắt đầu ở thời điểm Facebook đã là mạng xã hội lớn nhất toàn cầu, có hàng tỷ người dùng và có thể tác động đến đời sống nhân loại.
Tạo dựng dễ hơn quản lý
“Tạo ra mọi thứ là công việc thú vị hơn giữ cho tất cả an toàn và bảo mật. Cho đến khi phải đối mặt với yêu cầu của cơ quan quản lý hoặc bị truyền thông nhắm vào, bạn không cần bận tâm đến vấn đề này”, một cựu lãnh đạo cao cấp của Facebook tiết lộ với Jeff Horwitz.
Theo New York Times, đây là một tuyên bố “không thể rõ ràng hơn” về chính sách quản lý nền tảng của ban lãnh đạo Facebook.
Hết lần này đến lần khác, bất chấp sự phản đối của chính các nhân viên được Facebook thuê để đảm bảo tính an toàn cho người dùng, Mark Zuckerberg và những lãnh đạo thân cận chọn tăng trưởng là mục tiêu ưu tiên cao nhất, kể cả khi điều đó tổn hại đến người dùng.
Dựa trên hàng loạt bằng chứng nội bộ, Horwitz phơi bày một chính sách nhất quán tại Facebook: chấp nhận dọn dẹp tàn dư của những thảm hoạ nghiêm trọng thay vì ngăn chặn chúng ngay từ đầu.
Mức độ chi tiết của các vụ việc được nêu trong Broken Code là một điểm đáng khen ngợi của tác phẩm. Cuốn sách dựa trên hơn 25.000 trang tài liệu nội bộ Facebook, phần lớn được cung cấp bởi cựu Giám đốc sản phẩm Frances Haugen, nhân vật được xem là “người tố giác” Facebook nổi tiếng nhất trong những năm qua.
Góc nhìn của người trong cuộc
Sự hợp tác của nhân sự cao cấp này với cuộc điều tra của Jeff Horwitz là một động thái bất ngờ. Trước khi rời công ty vào tháng 5/2021, bà liên tục gửi cho tác giả những bức ảnh chụp tài liệu mở trên máy tính xách tay của mình tại văn phòng làm việc.
Các tài liệu nội bộ do Frances Haugen và một số nhân viên khác cung cấp đảm bảo mức độ chính xác, chi tiết cho câu chuyện trong Broken Code, chỉ ra trách nhiệm của Facebook về việc không kiểm soát được thông tin sai lệch, khơi mào xung đột chính trị hay các tội ác nghiêm trọng khác.
Cuốn sách chứa đầy số liệu thống kê và câu chuyện chân thật mà chỉ những người trong cuộc mới có thể chứng kiến. Chẳng hạn, vào năm 2018, Facebook thực hiện hơn 140 thay đổi riêng biệt đối với hệ thống xếp hạng New Feed, loại bỏ những nguồn phát tán tin giả trắng trợn nhất. Tuy nhiên, Facebook không thể công khai khoe thành tích này vì chính CEO Zuckerberg đã tuyên bố vấn đề tin giả trên nền tảng là “không đáng kể”.
Phần lớn tác phẩm xoay chuyển từ khủng hoảng này sang khủng hoảng khác, vai trò của mạng xã hội lớn nhất toàn cầu trong việc thúc đẩy chứng biếng ăn, phổ biến nội dung lạm dụng tình dục trẻ em, kích động cuộc bạo loạn ở Điện Capitol ngày 6/1…
Facebook là một tổ chức khổng lồ. Các cuộc chiến mà Horwitz mô tả thường liên quan đến sự cạnh tranh của nhiều nhóm khác nhau, những người khó giữ mối quan hệ một cách rõ ràng. Sau vài năm điều tra về Facebook, Horwitz đã có một sơ đồ tổ chức vô cùng ấn tượng trong đầu.
Chân dung xấu xí của ông chủ Facebook
Không rõ Zuckerberg có trả lời phỏng vấn riêng cho cuốn sách hay không. Phần chú thích chỉ nói rằng Facebook “cho phép phỏng vấn một loạt giám đốc điều hành của mình”. Nhưng qua Broken Code, tỷ phú công nghệ này nổi lên trong ấn tượng của người khác như một kiểu nhân vật lãnh đạo xa cách, hời hợt.
Trong một tình tiết đáng chú ý, một chuyên gia máy học dày dạn kinh nghiệm đã phát triển thuật toán mới, nếu áp dụng sẽ làm giảm khả năng lan truyền các bài viết của những người nằm trong nhóm nguy cơ phát tán thông tin sai lệch. Zuckerberg lắng nghe trong 10 phút và yêu cầu: “Hãy làm đi, nhưng cắt giảm 80% tỷ trọng”, một chỉ thị rõ ràng nhằm mục đích vô hiệu hóa sáng kiến này.
Từng là gã khổng lồ vô song của truyền thông xã hội, Facebook giữ một vị trí đặc biệt trong văn hóa và chính trị. Cùng với các nền tảng Instagram và WhatsApp, đây là điểm đến mỗi ngày của hàng tỷ người dùng trên khắp thế giới.
Trong và ngoài công ty, Facebook ca ngợi sản phẩm của mình mang mọi người lại gần nhau hơn và giúp họ có tiếng nói trong môi trường kỹ thuật số. Song khi một loạt vụ bê bối làm rung chuyển Facebook, thế giới phải đặt câu hỏi liệu tập đoàn này có thể kiểm soát, hoặc thậm chí hiểu được nền tảng của chính mình hay không.
Nhân viên của Facebook bắt đầu tìm kiếm câu trả lời. Họ phát hiện ra những vấn đề còn sâu xa hơn cả chính trị. Facebook đang rao bán và khuếch đại sự tức giận, phớt lờ nạn buôn người, tạo điều kiện cho các tập đoàn ma túy và những kẻ độc tài, cho phép người dùng VIP vi phạm các quy tắc được cho là bất khả xâm phạm của nền tảng.
Chịu đựng tổn thương cá nhân và thất bại trong công việc, các nhân viên tìm thấy nguyên nhân sâu xa gây ra tác hại lan truyền của Facebook và vạch ra kế hoạch cụ thể để giải quyết chúng. Nhưng chi phí sửa chữa nền tảng - thường được tính bằng 1/10 mức độ tương tác của người dùng - cao hơn mức mà ban lãnh đạo Facebook sẵn sàng đánh đổi.
Công việc của họ liên tục bị trì hoãn, bị giảm sút hoặc bị bóp nghẹt, những người hiểu rõ nhất về tác hại của Facebook đối với người dùng chỉ còn lại một lựa chọn: giữ im lặng hoặc chống lại chủ nhân của mình.
Một trong số đó những người chọn lựa hướng thứ 2 là Frances Haugen, tạo tiền đề cho những câu chuyện trong Broken Code của Jeff Horwitz.