Sách được thực hiện và gia công trang trọng, công phu, nội dung có bổ sung hình minh họa dễ hiểu cho độc giả cảm nhận rõ hơn những thông điệp của sách.
Trái tim của Bụt giúp mỗi người nhắc nhau thực hành lối sống phụng sự trong hạnh phúc, cùng đi đứng nằm ngồi, nói cười và tiếp xử với nhau trong hỷ lạc và an vui để mỗi người cùng tiếp nối sự nghiệp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Ngay trong lúc này, sau khi vừa thiền tọa xong và đọc lại cuốn sách Trái tim của Bụt có chữ ký của Thầy Thích Nhất Hạnh vào năm 2012, chúng tôi cứ ngẫm và ngẫm. Thấm thía vô cùng. “Trong kinh điển Bụt dùng một hình ảnh rất hay là những cọng lau nương vào nhau. Ví dụ có ba cọng lau nương vào nhau mà đứng, nếu lấy đi một cọng thì các cọng lau kia sẽ ngã xuống. Cái này nương vào cái kia mà có, cái kia nương vào cái này mà có. Hình ảnh giao lô rất nổi tiếng ở trong đạo Bụt. Giao lô là những cọng lau dựa vào nhau mà đứng vững”.
Quả thật, nguồn suối phát sinh của đạo Phật là một sự giác ngộ về sự thật của cuộc đời, đưa tới một sự thức tỉnh và giải phóng. Học Phật để có một cơ hội đưa giáo lý vào trong tâm, phá những bế tắc, dẹp những vướng mắc. Như khi ánh sáng mặt trời lên thì tuyết băng tan. Học Phật để thay đổi tâm mình, từ tâm vô minh sang tâm có chánh kiến, có lối sống theo Tứ Thánh Đế và Bát Chánh Đạo, lối sống phụng sự trong hạnh phúc và yêu thương.
Học Phật phải thấy lòng nhẹ nhàng!
Chúng ta biết ngay trong thời đại Bụt đang còn tại thế đã có sự hiểu lầm về giáo lý đạo Bụt thì cố nhiên sau khi Bụt nhập diệt và trong mấy trăm năm truyền thừa thế nào cũng có những chuyện hiểu lầm và truyền thừa sai lạc. Sai lầm không chỉ vì nhớ lầm, mà còn vì cách hiểu và hành trì không đúng. Khi hiểu sai rồi hành trì sai thì những lời Bụt dạy truyền lại cũng sai.
Cho nên khi học phải cẩn thận so sánh, phải tìm một cái nhìn có tính cách nhất quán, một cái nhìn thấu suốt xuyên qua tất cả những điểm khác biệt. Giống như là khi có nhiều viên ngọc, chúng ta dùng một sợi dây xâu lại hết tất cả để tạo thành một chuỗi ngọc vậy.
Khi học Phật Pháp, mỗi người phải làm cách nào để giáo lý của Bụt giúp cho tâm tư nhẹ nhàng hơn. Bởi những bài pháp thoại có thể khiến đầu óc chúng ta thêm nặng nề nếu chỉ học giáo lý với mục đích chất chứa thêm kiến thức. Nhẹ nhàng hơn vì những điều ta học có tác dụng tháo gỡ và phá bỏ những thấy, nghe và hiểu biết sai lầm. Nghe tới đâu, học tới đâu cảm thấy thoải mái tới đó.
Trái tim của Bụt là ghi chép tổng hợp những bài giảng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong Khóa học Phật Pháp Căn Bản tại Làng Mai, Loubes-Bernac, Pháp. Cuốn sách không chỉ dành cho các doanh nhân hay giới trí thức mà cho tất cả những ai muốn tìm hiểu đạo Phật từ căn bản một cách đơn giản, trực tiếp mà sâu sắc nhất. Hiểu và hành trì đúng lời dạy của Phật, ta chính là tri kỷ của Phật, mang trong mình trái tim của Phật.
Sách tập hợp 25 bài Phật Pháp căn bản được giảng bởi Thiền sư Thích Nhất Hạnh với những pháp môn rất mầu nhiệm mà bất cứ người tại gia nào, bất cứ cư sĩ nào cũng có thể thừa hưởng và thực tập, dụng tâm tu học đến chỗ sâu sắc để có kết quả tốt đẹp.
Phần trọng tâm nhất Trái tim của Bụt bàn về gốc rễ của đạo Phật xoay quanh Nhị Đế - Tứ Thánh Đế - Bát Chánh Đạo - Lý Duyên Khởi (12 nhân duyên). Thầy Nhất Hạnh giúp độc giả nhận ra thế nào là khổ, tập, diệt, đạo và phương pháp áp dụng hàng ngày, để nhận ra rằng các giáo lý đó rất cụ thể và thiết thực trong hiện tại. Đọc sách, chúng ta thấy rõ chánh kiến, tư duy, chánh ngữ, chánh niệm, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định là gì. Đồng thời, thấy rõ sự liên quan, liên kết đến nhau của 8 chi phần đó cũng như sự ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của chính mình.
Có một ý rất hay về khổ, tập, diệt, đạo mà nhóm biên soạn rất tâm đắc: “Những lúc đau răng thì khổ và ta nghĩ không đau răng là sướng. Nhưng đến khi không đau răng ta vẫn không biết sung sướng. Con người thường sống trong quên lãng như vậy. Sống trong hạnh phúc thì không nhìn thấy hạnh phúc, và sống trong khổ đau cũng không biết đó là khổ đau. Không nhận diện được đau khổ nên ta gánh cái khổ đó suốt đời”.
Qua những bài học được ghi chép lại trong sách Trái tim của Bụt, Thiền sư Thích Nhất Hạnh còn giảng dạy về cách để con người tiếp nhận kiến thức mà không bị lầm đường lạc lối theo phương pháp Văn - Tư - Tu. Văn là tiếp nạp những kiến thức mới; Tư là tư duy, nghiền ngẫm về những kiến thức đã được học; cuối cùng là Tu, tức đem những kiến thức đã học áp dụng vào thực tế.
TS Nguyễn Mạnh Hùng