TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung vừa ra mắt cuốn sách Nghèo là vốn liếng (do NXB Hồng Đức phát hành) tại TPHCM.
Qua cuốn sách Nghèo là vốn liếng, bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung khẳng định hoàn cảnh xuất thân không quyết định số phận con người. Anh tin rằng mặc dù không thể chọn điểm khởi đầu nhưng mỗi người đều có khả năng thay đổi cuộc đời mình bằng sự kiên trì và nỗ lực.
"Cuộc đời là biển lớn, nếu không nỗ lực bơi thì sẽ chìm! Chúng ta đừng buồn vì mình không sinh trong một hoàn cảnh khó khăn mà hãy biến nó thành động lực để cố gắng phấn đấu, vươn lên. Sinh ra trong nghèo khó, chúng ta không có lỗi nhưng chết vì nghèo là lỗi của chúng ta...", bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung chia sẻ.
Nghèo là vốn liếng được viết theo dạng hồi ký, gồm 7 chương, kể về hành trình vượt khó ngoạn mục của tác giả - từ một cậu học trò nghèo ở vùng quê Quảng Nam đến một bác sĩ thẩm mỹ. Mỗi chương là một giai đoạn đầy thử thách nhưng cũng chứa đựng những bài học sâu sắc về nghị lực, lòng nhân ái và tinh thần vượt khó của tác giả.
Chương đầu tiên với câu chuyện về cậu bé Tú Dung và ước mơ trở thành bác sĩ. Sinh ra trong gia đình nghèo khó ở miền Trung, Tú Dung đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Tuy nhiên, thay vì đầu hàng số phận, anh đã nuôi dưỡng ước mơ và nỗ lực không ngừng.
Hành trình theo đuổi ước mơ của tác giả tiếp tục với những thử thách mới khi trở thành bác sĩ thực tập không lương. Đây là giai đoạn đầy khó khăn nhưng cũng rèn cho tác giả ý chí và nghị lực.
Các chương sau cho thấy quá trình Tú Dung vượt qua mọi rào cản để khẳng định bản thân trong ngành y.
Ở chương 5, cuốn sách kể về ca phẫu thuật cho nhân vật anh Mến - bệnh nhân mắc hội chứng MRS (Hội chứng da - thần kinh) hiếm gặp đầu tiên tại Việt Nam. Câu chuyện không chỉ thể hiện tài năng của bác sĩ Tú Dung mà còn cho thấy tấm lòng nhân ái, quyết tâm cứu giúp những số phận khó khăn của anh.
Cuốn sách cũng dành một chương để nói về những trải nghiệm của tác giả trong đại dịch Covid-19 tại TPHCM. Qua đó, độc giả thấy được tinh thần hy sinh cao cả của đội ngũ y tế cũng như sức mạnh của tình người trong hoạn nạn.
Chương cuối cùng như một lời nhắn nhủ đầy tâm huyết của tác giả dành cho thế hệ trẻ. Với vai trò bác sĩ, tác giả Nguyễn Phan Tú Dung chia sẻ những kinh nghiệm quý báu, giúp các bạn trẻ định hướng và vượt qua thử thách trên con đường lập nghiệp.
Bên cạnh đó, tác giả cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của lòng biết ơn trong cuộc sống. Anh cho rằng sự biết ơn cơ bản nhất là hoàn thành trách nhiệm của mỗi người. Tác giả tin rằng thành tựu có thể phai nhòa theo thời gian nhưng những giá trị và phẩm chất tốt đẹp của con người mới là điều tồn tại vĩnh cửu.
Đặc biệt, toàn bộ lợi nhuận từ việc bán sách sẽ được quyên góp, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu vùng xa tiếp tục con đường học tập. Tác giả bày tỏ: "Cũng từng là một đứa trẻ sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó, tôi đồng cảm với những em học sinh khó khăn nhưng vẫn khao khát được đến trường. Vì vậy, tôi quyết định dùng 100% lợi nhuận bán sách để giúp các em tiếp bước ước mơ học đường".
Nghèo là vốn liếng không chỉ là câu chuyện cá nhân của TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung mà còn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho độc giả, đặc biệt là các bạn trẻ đang tìm kiếm con đường đi cho riêng mình. Tác giả khẳng định con người hoàn toàn có thể thay đổi về sự vươn lên trước nghịch cảnh, số phận bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ.