Có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi BHXH
Theo quy định của pháp luật hiện hành, sổ BHXH được cấp và giao cho từng người lao động giữ để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ BHXH và là cơ sở để giải quyết các chế độ BHXH, BH thất nghiệp. Việc mua bán, chuyển nhượng hoặc cầm cố, thế chấp sổ BHXH là các hành vi vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, thời gian qua, tại một số tỉnh, thành phố có tình trạng lạm dụng, trục lợi BHXH, BHTN, BHYT…
Cương quyết đấu tranh với hành vi lạm dụng, trục lợi BHXH. Ảnh minh họa. |
Để quản lý chặt chẽ việc quản lý sổ BHXH khi giải quyết các chế độ BHXH theo quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, ngăn chặn tình trạng trên, BHXH Việt Nam đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thống nhất cho phép cơ quan BHXH các cấp tạm thời không nhận hồ sơ của người lao động ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ và nhận hộ tiền hưởng trợ cấp BHXH một lần, trừ trường hợp người lao động bị ốm đau, tai nạn lao động không thể đến cơ quan BHXH (có Giấy xác nhận của cơ sở y tế về tình trạng sức khỏe của người ủy quyền) để tránh tình trạng lạm dụng và việc mua bán, thu gom sổ BHXH để trục lợi như hiện nay.
Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), đồng thời đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành, thanh tra chuyên ngành tại một số đơn vị, doanh nghiệp có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi BHXH, BHTN, BHYT… là những nhiệm vụ trọng tâm được BHXH Việt Nam tập trung rốt ráo.
Để đạt được mục tiêu phát triển đối tượng tham gia BHYT, BHXH tự nguyện năm 2020, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tập trung huy động mọi nguồn lực, ưu tiên bố trí kinh phí để đảm bảo đầy đủ, kịp thời quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
Một số nhiệm vụ trọng tâm
Được biết, ngay trong tháng 6/2020, BHXH sẽ Việt Nam tập trung triển khai một số nhiệm vụ cụ thể:
Tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại các nghị quyết của Chính phủ gồm: Nghị quyết số 125/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH; Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019; Nghị quyết số 02/NQ-CP về giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019.
Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; các nghị định, văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BHTN. Đồng thời, bám sát chỉ đạo của Chính phủ để xây dựng và triển khai các phương án điều hành các kế hoạch, dự toán, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể, xã hội, cơ quan thông tấn, báo chí đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng miền; tập trung vào các nhóm đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
Đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành, thanh tra chuyên ngành tại một số đơn vị, doanh nghiệp có dấu hiệu lạm dụng, trục lợi BHXH, BHTN, BHYT; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc giải quyết, chi trả các chế độ BHXH, BHTN; kịp thời xử lý, kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHTN, BHYT…
Hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm theo Quyết định số 714/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thiện cơ sở hạ tầng, hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, các phần mềm nghiệp vụ của Ngành; rà soát xử lý dữ liệu thẻ BHYT cấp trùng; hoàn thiện dữ liệu hộ gia đình, cấp mã số BHXH cho người tham gia.
Ngoài các nhiệm vụ trên, BHXH Việt Nam yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố triển khai hiệu quả hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân và doanh nghiệp; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đẩy mạnh việc giao dịch điện tử; quản lý, sử dụng văn bản điện tử trong hệ thống cơ quan BHXH và trên trục liên thông của Chính phủ.
Trần Hảo
Ảnh: Hồng Hạnh