Tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký đạo luật buộc ByteDance bán TikTok nếu không muốn bị cấm tại Mỹ. Hôm 7/5, TikTok đã đệ đơn kiện chính phủ Mỹ và muốn tòa án ra phán quyết ngăn chặn lệnh cấm mà hãng tuyên bố là 'vi hiến' này.

omi226hm.png
Cựu CEO Google Eric Schmidt tại sự kiện ai-Pulse tổ chức ở Paris, Pháp ngày 17/11/2023. Ảnh: Bloomberg
 

Eric Schmidt, người từng giữ chức vụ CEO Google trong hơn một thập kỷ, xác nhận ông từng muốn mua lại TikTok nhưng hiện tại không còn suy nghĩ này nữa.

Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, ông cũng bày tỏ quan điểm cá nhân rằng Mỹ nên quản lý TikTok hơn là cấm vĩnh viễn hoặc buộc ứng dụng phải chịu các biện pháp tư pháp. Bản thân ông xem ứng dụng giống với truyền hình hơn là mạng xã hội và hi vọng Mỹ cân nhắc quản lý nó như vậy.

ByteDance gần như sẽ không bán công nghệ lõi đứng sau bảng tin của họ vì đây là “gia vị” bí mật đã giúp TikTok thu hút 170 triệu người dùng ở Mỹ nói riêng.

Chính phủ Trung Quốc cũng sẽ không chấp nhận một thỏa thuận như vậy. Do đó, người mua tiềm năng của TikTok nếu có chỉ có thể mua lại hoạt động kinh doanh và người dùng, không phải thuật toán.

Tái tạo thuật toán cũng là việc tốn kém và không hề dễ. Từ khi TikTok bắt đầu trỗi dậy mạnh mẽ từ đầu dịch Covid-19, các hãng như Meta hay Alphabet đã dành nhiều năm để bắt chước nhưng thành công hạn chế.

Theo bảng xếp hạng tỷ phú Bloomberg, Schmidt là người giàu thứ 47 thế giới, sở hữu tài sản ròng 32,2 tỷ USD. Sau khi rời Google, ông xem việc cạnh tranh với Trung Quốc là ưu tiên thông qua một sáng kiến mang tên Dự án nghiên cứu cạnh tranh đặc biệt.

Hiện tại, ông cho rằng Mỹ đã có lợi thế so với đối thủ trong lĩnh vực AI đang phát triển nhanh chóng. “Chúng ta có lẽ đi trước Trung Quốc 2 hoặc 3 năm”, ông chỉ ra.

Ông còn bổ sung rằng Trung Quốc đang gặp khó khăn vì thiếu hụt bán dẫn nhưng sẽ sẵn sàng giành chiến thắng nếu có được phần cứng cần thiết.

(Theo SCMP)