Tại TPHCM, hàng nghìn cán bộ, người dân khu vực phía Nam hôm nay đã đến Hội trường Thống Nhất tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
"Tôi làm tranh ông trong 2 tháng, mới xong vài ngày thì bàng hoàng nghe tin ông qua đời"
Chậm rãi đi trong dòng người đến viếng, anh Nguyễn Phú Huỳnh (huyện Hóc Môn) trân trọng ôm trong tay di ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là bức chân dung Tổng Bí thư mà anh đã miệt mài khảm xà cừ trong 2 tháng.
Anh Huỳnh xúc động chia sẻ từ lâu nay đã rất quý mến "bác Trọng" - như cách anh vẫn muốn gọi khi nói về Tổng Bí thư.
"Bác Trọng là một nhà lãnh đạo vì dân, vì nước. Cả cuộc đời thanh bạch, nhưng trong hình ảnh giản dị đó bác lại là người mạnh mẽ, quyết liệt trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, mang lại niềm tin cho nhân dân cả nước".
Với tình cảm đó, anh Huỳnh đã miệt mài tự làm bức tranh chân dung khảm xà cừ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong 2 tháng. Anh đã chọn loại gỗ bền và đẹp, những vỏ trai màu sắc trang nhã nhất...
“Bức di ảnh vừa hoàn thành vài ngày thì tôi bàng hoàng nghe tin bác Trọng mất. Hôm nay, tôi mang theo di ảnh này đến viếng bác, sau đó sẽ mang về đặt ở nhà với mong muốn luôn được nhìn thấy bác” - anh Huỳnh bày tỏ.
"Mong con cháu cảm nhận được lịch sử dân tộc"
Cùng vào viếng trong đoàn nhân dân TPHCM sáng nay có gia đình ông Chu Văn Hoàn. Không chỉ có hai vợ chồng mà ông Hoàn còn dắt theo hai cháu ngoại từ TP Thủ Đức lên.
Ông Hoàn cho biết các cháu đã lên ở nhà ông từ hôm trước, để sáng nay kịp dậy sớm tới Hội trường Thống Nhất.
"Tôi biết là lễ viếng diễn ra trong hai ngày, nhưng vẫn muốn đi sớm nhất có thể. Sáng nay, tôi đánh thức các cháu dậy từ 6h, giục ăn uống để kịp tới giờ viếng buổi sáng.
Đến khu vực này, gia đình tôi phải chạy xe hết mấy vòng mới tìm được chỗ gửi. Vào đến nơi viếng đã gần 10h, may mắn được Ban Tổ chức ghép cùng đoàn nhân dân vào tiễn Tổng Bí thư” - ông Hoàn chia sẻ.
Điều khiến ông Hoàn quý mến và kính trọng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự quyết liệt phòng, chống tham nhũng, đem lại niềm tin sâu sắc cho nhân dân.
“Tổng Bí thư mất đi là tổn thất lớn cho đất nước. Chúng tôi chỉ mong tinh thần của ông tiếp tục lan tỏa trong những thế hệ tiếp nối, không những trong phòng, chống tham nhũng mà còn cùng nhau đoàn kết xây dựng đất nước ngày càng thịnh vượng” - ông Hoàn bùi ngùi nói.
"Chúng tôi dắt theo các cháu đi viếng để các cháu được tận tai nghe, tận mắt thấy tình cảm của mọi người đối với vị lãnh đạo của đất nước. Đó cũng chính là bài học lịch sử thực tế mà chúng tôi mong các cháu sẽ hiểu và tiếp thu, từ đó góp phần định hình nhân cách, để sau này trở thành người có ích".
Niềm xúc động của các cựu chiến binh
Từ quận 12, vợ chồng ông Nguyễn Tống Đồn (79 tuổi) và bà Trần Thị Liên (75 tuổi) bắt xe buýt từ sớm đến Hội trường Thống Nhất.
Bà Liên từng là nữ thanh niên xung phong, còn ông Đồn là cựu chiến binh tham gia các chiến trường Quảng Trị, miền Đông Nam Bộ, Hà Giang... Ông cũng là một trong những chiến sĩ trong đoàn quân tiến vào Dinh Độc Lập (Hội trường Thống Nhất bây giờ) ngày 30/4/1975.
Bà Liên cho hay dù cả hai vợ chồng chưa từng gặp Tổng Bí thư, chỉ đọc và xem qua báo đài, nhưng vẫn rất thương quý người vừa khuất.
“Khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, vợ chồng tôi rất buồn. Mặc dù tuổi cao sức yếu, chồng tôi đang mang trong người di chứng của chất độc hóa học thời chiến tranh, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm đến đây” - bà Liên xúc động nói.
Trong cuộc sống thường ngày, bà Liên cho biết ông Đồn thường nhắc con cháu trong nhà phải học tập Tổng Bí thư về sự bình dị và gần gũi.
“Vợ chồng chúng tôi về hưu, tích cóp thời gian dài mới mua được căn chung cư nhỏ và từng luôn nghĩ mình nghèo khổ. Nhưng nhìn vào sự giản dị của bác Trọng, thì sự khó khăn của chúng tôi cũng chưa là gì".
Cũng suy nghĩ giống người vợ, ông Đồn tâm sự là cựu chiến binh, chiến đấu ở nhiều chiến trường khốc liệt, lại mang di chứng của chiến tranh…, "nhưng những điều tôi trải qua chưa là gì so với sự vất vả của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng".
"Tôi có 3 người con và 5 đứa cháu nhỏ. Chúng tôi bảo với con cháu rằng sau này phải tìm hiểu và học tập tấm gương của Tổng Bí thư" - ông Đồn chia sẻ thêm.
Còn bà Phạm Hồng Thắm (69 tuổi), CLB truyền thống kháng chiến TPHCM, bồi hồi cho biết những ngày qua, bà luôn cảm thấy đau nhói ở trong tim. Lúc này, khi tới Hội trường Thống Nhất, cảm xúc của bà vỡ òa.
"Tôi là người tham gia cách mạng, cảm thấy quặn thắt khi một người tài, đức ra đi. Không có điều kiện ra Hà Nội, tôi tới đây để thắp một nén nhang để tiễn biệt Tổng Bí thư. Chúng tôi - những người trong CLB kháng chiến TPHCM - sẽ tiếp tục con đường mà Tổng Bí thư để lại, và cũng mong rằng các thế hệ mai sau sẽ đời đời tiếp nối" - bà Thắm bật khóc khi chia sẻ những lời từ đáy lòng.