Theo đài RT, ông Aleksey Arestovich tiết lộ thông tin trên trong cuộc phỏng vấn qua video trực tuyến với nhà báo Yulia Latynina hôm 1/12.
Cựu trợ lý của Tổng thống Zelensky cũng đề cập đến cáo buộc gần đây của nghị sĩ hàng đầu Ukraine David Arakhamia rằng, các cuộc đàm phán giữa Moscow - Kiev ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào mùa xuân năm 2022 đã bị Thủ tướng Anh lúc bấy giờ Boris Johnson “làm chệch hướng”.
“Tôi là thành viên của đoàn đàm phán ở Istanbul, nhưng ngay cả tôi cũng không biết tại sao chúng tôi lại quyết định hủy bỏ các cuộc đối thoại với Nga tại thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Arestovich nói.
Ông Arestovich đánh giá các sáng kiến được đưa ra trong cuộc đàm phán ở Istanbul thực sự “rất tốt”, đồng thời cho rằng Moscow coi thái độ trung lập và không liên kết với NATO của Kiev là “lằn ranh đỏ”. Theo cựu cố vấn này, việc từ chối thương lượng chỉ dẫn đến thương vong nặng nề, trong khi triển vọng gia nhập NATO của Ukraine vẫn còn mờ mịt.
Thụy Sỹ đóng băng 8,8 tỷ USD tài sản của Nga
Chính phủ Thụy Sỹ hôm 1/12 thông báo đã đóng băng khoảng 7,7 tỷ franc (8,81 tỷ USD) tài sản tài chính thuộc về Nga theo các lệnh trừng phạt Moscow vì cuộc xung đột ở Ukraine.
Reuters lưu ý, con số trên tăng nhẹ so với mức 7,5 tỷ franc Chính phủ Thụy Sỹ đã phong tỏa năm ngoái, sau khi quốc gia trung lập này triển khai các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) chống Nga.
Sự gia tăng tài sản bị phong tỏa vì Bern bổ sung thêm 300 người và 100 công ty, tổ chức vào “danh sách đen” trong 12 tháng qua. Chúng cũng bao gồm lợi nhuận ước tính từ tiền gửi, trái phiếu, cổ phiếu cũng như tài sản và xe hơi sang trọng của các thực thể bị áp trừng phạt.
Cục Kinh tế nhà nước Thụy Sỹ (SECO), cơ quan giám sát các lệnh trừng phạt, nhấn mạnh con số 7,7 tỷ franc chỉ là ước tính tạm thời mới nhất và có thể thay đổi.
Theo tính toán của Hiệp hội Ngân hàng Thụy Sỹ, số tài sản bị phong tỏa chỉ là một phần nhỏ trong tổng tài sản thuộc sở hữu của người Nga ở đất nước này. Các ngân hàng Thụy Sỹ đang nắm giữ 150 tỷ franc tài sản tài chính của các thực thể Nga.