Bệnh nhân là ông V.V.T (42 tuổi) được chuyển vào cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) với 5 vết thương vùng ngực và bụng do dao đâm. Ruột non và mạc nối lớn lộ ra bên ngoài.
Thời điểm này, ông T. bị sốc nặng, tri giác lơ mơ, huyết áp tụt, nghi ngờ có vết thương tim. Ngay lập tức, báo động đỏ được kích hoạt.
Bác sĩ xác định nạn nhân có nhiều dịch máu, thủng thành thất phải 3cm, đứt động mạch vú trong trái, 2 lỗ thủng cơ hoành (2cm và 3cm).
Ông T. còn bị chảy máu trong ổ bụng lượng 2.000ml, đứt động mạch tụy trước, rách 8 vị trí mạc treo hỗng tràng, 14 lỗ ruột non, nhiều lỗ xuyên táo và dập nát, rách mạc nối lớn, rách cuống lách và lách. Các bác sĩ khẩn cấp thực hiện vừa cấp cứu hồi sức, vừa chuyển bệnh nhân lên phòng mổ.
Tại phòng mổ, các chuyên gia Khoa Phẫu thuật tim mạch tiến hành mở ngực. Vết thương tim ở thất phải khiến tim đập rời rạc, đe dọa ngừng tim. Bác sĩ phải tiến hành bóp tim cho tim đập lại, giải phóng chèn ép tim và nhanh chóng khâu vết thương.
Ê-kíp Khoa Ngoại bụng tiến hành cầm máu động mạch tuỵ trước, khâu mạc nối lớn, cắt 2 đoạn ruột non bầm dập, khâu các vết thủng ruột non, khâu cơ hoành, cắt lách. Trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân phải truyền gần 6.000ml máu và chế phẩm máu.
Các bác sĩ đánh giá, bệnh nhân T. chịu các tổn thương rất phức tạp, đặc biệt là vết thương tim lớn, mất máu nhiều. Tuy nhiên, bệnh nhân có 2 vết thương lủng cơ hoành khiến cho máu từ khoang màng tim chảy vào ổ bụng, góp phần bớt chèn ép tim cấp. Nhờ vậy, bệnh nhân có thể đến được viện cấp cứu kịp thời.
Sau ca phẫu thuật khẩn cấp, bệnh nhân được theo dõi đặc biệt tại Khoa Hồi sức ngoại và hồi phục sau 3 tuần điều trị. Đến nay, ông T. chuẩn bị được xuất viện.
Đại tá, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Văn Thảo, Chủ nhiệm Khoa Ngoại bụng, Bệnh viện Quân y 175, cho biết số lượng các trường hợp vết thương tim do bạch khí được chuyển đến bệnh viện khá cao, trung bình mỗi năm có từ 6-10 ca. Đa phần người bệnh đến viện kịp thời đều được cứu sống.