Ông Rajapaksa hiện ở Singapore sau khi rời Sri Lanka hồi tháng 7, trong bối cảnh các cuộc tuần hành rầm rộ chống chính phủ của ông lan rộng khắp đất nước và đám đông biểu tình thậm chí đột nhập vào tư dinh của ông.
Theo CNN, trong một thông điệp đăng tải trên mạng xã hội hôm 10/8, Tanee Sangrat, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thái Lan giải thích, với tư cách là người mang hộ chiếu ngoại giao Sri Lanka, ông Rajapaksa có thể nhập cảnh vào Thái Lan mà không cần thị thực trong tối đa 90 ngày. Người phát ngôn nhấn mạnh, việc lưu trú là tạm thời và cựu Tổng thống Sri Lanka không xin tị nạn chính trị tại quốc gia Đông Nam Á này.
Phát ngôn viên không đề cập đến thời điểm ông Rajapaksa dự định đến Thái Lan.
Động thái mới diễn ra khi Sri Lanka vẫn chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất trong 7 thập niên qua. Sự phẫn nộ gia tăng ở Sri Lanka suốt nhiều tháng sau khi dự trữ ngoại hối giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục và không còn đủ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, kể cả thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu.
Nhiều người Sri Lanka đổ lỗi khủng hoảng do nạn tham nhũng và sự điều hành kinh tế yếu kém của anh em nhà Rajapaksa, những người nắm giữ các chức vụ lãnh đạo Sri Lanka từ năm 2005.
Sau khi ông Rajapaksa nhập cảnh vào Singapore hôm 14/7 và gửi thư điện tử cho Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka chính thức xin từ chức, các nhà lập pháp đã bầu cựu Thủ tướng Ranil Wickremesinghe làm tổng thống thay thế. Song, sự bất bình trong công chúng vẫn tồn tại, do nhiều người biểu tình tin ông Wickremesinghe ràng buộc chặt chẽ với chính quyền tiền nhiệm.
Ông Wickremesinghe đã cố gắng giữ khoảng cách với gia đình Rajapaksa, tuyên bố với CNN hồi tháng trước rằng, chính phủ tiền nhiệm đã "che đậy sự thật" về khủng hoảng tài chính khiến Sri Lanka tê liệt.
Tuấn Anh