Sáng nay, tại buổi họp báo thông tin tình hình mưa lũ ở địa phương, bà Nguyễn Thị Mai Thủy - Phó Chủ tịch MTTQVN tỉnh Hà Tĩnh cho hay, đến ngày 24/10, toàn tỉnh đã nhận được cứu trợ gồm tiền và hiện vật trị giá hơn 40 tỷ đồng.
Toàn cảnh cuộc họp báo sáng nay. |
Đối với nhu yếu phẩm như mì tôm, bánh, nước...sau khi tiếp nhận đã phân bổ về cho các địa phương phát cho dân.
Số tiền ủng hộ được điều chuyển vào kho bạc nhà nước, hiện đã trích 11 tỷ đồng hỗ trợ 7 huyện bị ảnh hưởng nặng do lũ lụt vừa qua.
“Chúng tôi đã thành lập Ban cứu trợ theo tinh thần Nghị định 64, lập đầu mối tiếp nhận hàng cứu trợ, tổ chức các tổ công tác về tận các địa phương để nắm bắt nhu cầu người dân. Các nguồn cứu trợ nhận được chúng tôi đều sử dụng công khai, minh bạch và hiệu quả” – bà Thủy nói.
Bà Nguyễn Thị Mai Thủy - Phó Chủ tịch MTTQVN tỉnh Hà Tĩnh |
Cũng theo bà Thủy, tiếp xúc khoảng 100 đoàn đến Hà Tĩnh cứu trợ vừa qua chỉ có 2 đoàn hiểu được người dân họ cần gì, còn lại chủ yếu hỗ trợ nhu yếu phẩm như mì tôm, nước ngọt.
Qua khảo sát, ngoài nhu yếu phẩm như lương thực cơ bản đến với người dân. Về lâu dài người dân cần có sinh kế để vực lại cuộc sống; nhu cầu cấp thiết của người dân bây giờ là giống, cây con và sửa chữa lại các đồ đạc thiết yếu.
“Cơn lũ vừa qua đã tàn phá nặng nề, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân, với tình hình này những hộ thoát nghèo có thể tái nghèo trở lại, do vậy việc hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu là rất quan trọng với người dân” – bà Thủy nói.
Mổ xẻ nguyên nhân ngập lụt lịch sử
Tại cuộc họp, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ đơn vị vận hành hồ Kẻ Gỗ, chính quyền địa phương có chủ động trong việc điều tiết xả lũ, cũng như việc hồ Kẻ Gỗ xả lũ có phải tác nhân chính gây ngập lụt ở các huyện hạ du hay không?.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh |
Vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tâm - đại diện Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Nam Hà Tĩnh (đơn vị quản lý, vận hành hồ Kẻ Gỗ) cho biết, tổng lượng mưa tại hồ Kẻ Gỗ từ 7h ngày 15/10 đến 7h ngày 21/10 là 1.249 mm, tổng lượng nước đến 280 triệu m3, lưu lượng nước đến hồ lớn nhất là 2.539m3/s.
Mực nước tại thời điểm cao nhất (lúc 11h30’ ngày 19/10) trong quá trình xả lũ (+33,80m) tương đương 384 triệu m3.
Hồ xả lũ bắt đầu từ 13h ngày 18/10 với lưu lượng tăng dần từ 50m3/s lên 200m3/s, lưu lượng xả lớn nhất 1.060 m3/s (bằng 41,7% lưu lượng đỉnh lũ là 2.539m3/s). Việc xả lũ thực hiện trong vòng 1 giờ đồng hồ với lưu lượng lớn vì thời điểm đó mực nước trong hồ rất lớn so ngưỡng tràn. Sau 10h, ngày 19/10, lượng mưa giảm nên việc xả lũ giảm lưu lượng trở lại.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn khẳng định, việc xả lũ trong thời gian qua ở hồ Kẻ Gỗ là chủ động, thực hiện theo quy trình kỹ thuật và có sự thống nhất từ lãnh đạo Bộ trở xuống. Phía địa phương cũng chủ động lên phương án sơ tán dân đến nơi an toàn, qua đó giảm thiệt hại về người trong trận lũ vừa qua.
Tham gia nêu ý kiến tại cuộc họp, Giáo sư Nguyễn Cảnh Thái - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi cho biết, qua theo dõi vệ tinh, do Hà Tĩnh có lượng mưa rất lớn nên nếu không xả lũ hồ Kẻ Gỗ thì các vùng hạ du cũng bị ngập nặng. Từ số liệu về lượng nước trong hồ và khối lượng xả lũ cho thấy cơ quan chức năng đã thực hiện tốt công tác điều tiết, giảm lũ cho người dân.
Giáo sư Nguyễn Cảnh Thái - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi |
Một số ý kiến cho rằng, vì sao không xả lũ trước khi mưa qua các kênh trục hoặc xả đáy nhằm giảm mức tích nước trong hồ Kẻ Gỗ. Vấn đề này phía đại diện Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi nam Hà Tĩnh thông tin, khi nước chưa đạt đến ngưỡng xả lũ thì việc xả qua hệ thống kênh trục là không được phép. Ngoài ra, hồ Kẻ Gỗ không có hệ thống xả đáy.
Theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của áp cao lạnh lục địa kết hợp với rìa Bắc dải hội tụ nhiệt đới nên những ngày qua toàn tỉnh có mưa to đến mưa rất to, có nơi đặc biệt to. Mưa lớn cực đoan đã gây ngập lụt nhiều địa phương, đặc biệt là huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà, TP Hà Tĩnh. Thời điểm cao nhất toàn tỉnh Hà Tĩnh có 118 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thành phố bị ngập lụt lũ. Toàn tỉnh đã tổ chức sơ tán được 18.771 hộ/ 59.268 người; 6 người chết vì bị lũ cuốn trôi. Cơn lũ vừa qua làm ảnh hưởng trực tiếp đến 42.456 hộ dân. Nhà cửa, các đồ dùng gia đình, vật dụng, lương thực, gia súc, gia cầm thiệt hại rất lớn. Có 132 ha lúa mùa, nhiều diện tích cây ăn quả và hoa màu; 2.317ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập và thiệt hại. Một số công trình giao thông bị hư hỏng nặng. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn vùng lũ bị ngập và hư hỏng thiết bị, máy móc vật tư, phương tiện, thiệt hại hết sức nặng nề. “Cơn lũ vừa qua gây thiệt rất lớn cho tỉnh Hà Tĩnh, vì vậy cần có sự trợ giúp của Trung ương, các bộ, ngành, đồng bào cả nước, các tổ chức quốc tế, cùng với sự nỗ lực của Đảng bộ và toàn thể nhân dân Hà Tĩnh thì mới có thể khắc phục được trong thời gian dài” – báo cáo nêu. |
Lê Minh
Dân nghèo Hà Tĩnh trắng tay sau cơn 'đại hồng thủy'
Những bao lúa được người dân một nắng hai sương mới làm ra, chỉ trong phút chốc bị lũ nhấn chìm. Đàn gà, vịt hàng trăm con, sau một đêm cũng trôi theo con nước lớn.