
Chia sẻ với VietNamNet sáng 2/4, GS Nguyễn Tiến Thảo, Chủ tịch Hội đồng thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, đến hết tháng 3/2025, kỳ thi đã tổ chức được 2 đợt thi liên tiếp, phục vụ 30.793 thí sinh. Trong đó, có 1 thí sinh đã bị kỷ luật đình chỉ thi.
Phổ điểm bài thi Đánh giá năng lực của 30.793 thí sinh dự thi trong tháng 3/2025 có dạng phân phối chuẩn với trung vị tại 80/150. Thí sinh có điểm số thấp nhất là 18/150. Điểm trung bình các thí sinh đạt được là 80,2/150.
Điểm cao nhất của các đợt thi vừa qua là 130/150. Nam sinh này làm bài thi Phần 1- Toán học và xử lý số liệu; Phần 2 - Ngôn ngữ - Văn học và Phần 3 - Khoa học theo 3 chủ đề Vật lý, Hóa học và Sinh học). Thủ khoa kỳ thi này năm 2024 là 2 nữ sinh của Hà Nội, với mức điểm 129/150.

Theo GS Thảo, so với cùng kỳ năm 2024, điểm thi Đánh giá năng lực năm 2025 có xu hướng tăng nhẹ (khoảng 3-5 điểm theo thang điểm 150) do các thí sinh được lựa chọn phần thi Khoa học hoặc Tiếng Anh theo năng lực và sở trường. Do đó, điểm xét tuyển bằng kết quả thi HSA năm 2025 dự báo xu hướng cao hơn hơn so với các năm trước đây.
Qua thống kê, ở phần 3, có 47,1% số thí sinh chọn thi Tiếng Anh; 16,6% chọn thi Lý - Hóa - Sử; 11,3% chọn thi Lý - Hóa - Sinh; 7,4% chọn thi Sử - Địa - Lý; 5,7% chọn thi Sử - Địa - Sinh; các tổ hợp còn lại dưới 5%.
GS Thảo cho hay, từ năm 2025, điểm bài thi Đánh giá năng lực sẽ được chuyển đổi về thang điểm 30 theo quy chế tuyển sinh đại học để phục vụ xét tuyển. Điểm bài thi Đánh giá năng lực sẽ được quy đổi độc lập theo thang điểm 30 để phục vụ tuyển sinh đại học theo phần thi bắt buộc (Toán học và xử lý số liệu, Ngôn ngữ - Văn học) và phần thi lựa chọn Khoa học và Tiếng Anh.
“Theo quy chế, một chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo, tất cả thí sinh được xét chọn bình đẳng dựa trên điểm xét tuyển và điểm trúng tuyển quy đổi tương đương theo từng phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển,... Do đó, thí sinh dự thi lưu ý quy định này, tránh bị hủy kết quả thi, kết quả trúng tuyển bằng điểm thi Đánh giá năng lực sau khi đã kết thúc kỳ thi-do vi phạm các quy định về bảo mật đề thi như tiết lộ, thảo luận, chia sẻ thông tin về câu hỏi thi, đề thi khi chưa có sự đồng ý của đơn vị tổ chức thi”, GS Thảo nói.
Các cơ sở giáo dục đại học căn cứ vào phổ điểm và các hợp phần của bài thi phù hợp với yêu cầu chất lượng đầu vào của các ngành đào tạo để tuyển sinh.

Viện Đào tạo số và Khảo thí - ĐH Quốc gia Hà Nội khuyến nghị khối ngành đào tạo khoa học tự nhiên, công nghệ và kỹ thuật lựa chọn phần thi Khoa học tối thiểu có 1 chủ đề thuộc lĩnh vực Vật lí hoặc Hóa học; Khối ngành khoa học sức khỏe, nông nghiệp, y sinh lựa chọn phần thi Khoa học tối thiểu có 1 chủ đề thuộc lĩnh vực Sinh học; Khối ngành khoa học xã hội và nhân văn lựa chọn phần thi Khoa học tối thiểu có 1 chủ đề thuộc lĩnh vực Lịch sử hoặc Địa lí; Khối ngành Khoa học trái đất lựa chọn phần thi Khoa học tối thiểu có 1 chủ đề thuộc lĩnh vực Vật lí hoặc Địa lí; Khối ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, luật học lựa chọn phần thi Khoa học tối thiểu có 1 chủ đề thuộc lĩnh vực Vật lí, Lịch sử hoặc Tiếng Anh; Khối ngành ngoại ngữ, ngoại giao, ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài lựa chọn Tiếng Anh ở phần thi thứ ba.
Hai đợt thi kế tiếp sẽ diễn ra trong tháng 4 vào các ngày 12-13/4 và 19-20/4 với quy mô đăng ký trên 31.000 thí sinh.
Bài thi Đánh giá năng lực (HSA) năm 2025 của ĐH Quốc gia Hà Nội gồm 3 phần: Phần 1 - Toán học và xử lý số liệu (50 câu hỏi, 75 phút); Phần 2 - Ngôn ngữ - Văn học (50 câu hỏi, 60 phút); Phần lựa chọn - Khoa học (50 câu hỏi, 60 phút; lựa chọn 3 trong 5 chủ đề vật lí, hóa học, lịch sử, địa lý) hoặc Tiếng Anh (50 câu hỏi, 60 phút).
Kỳ thi Đánh giá năng lực năm 2025 của ĐH Quốc gia Hà Nội gồm 6 đợt tổ chức thi từ ngày 15/3 đến 18/5 tại Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hà Tĩnh. Đến hiện tại, số lượng thí sinh đăng ký dự thi là 90.632 em.


Danh sách 97 trường dùng điểm thi Đánh giá năng lực ĐHQG Hà Nội để xét tuyển
