Ngoài hệ thống loa phát thanh truyền thống phát vào các khung giờ buổi sáng sớm và 16h chiều. Các địa phương trong tỉnh còn đẩy mạnh ứng dụng cộng nghệ thông tin trong việc cung cấp thông tin tới người dân như các chính sách của Đảng, Nhà nước, các hoạt động của địa phương từ cấp huyện, cấp xã.
Huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi có tỷ lệ thôn nghèo cao so với bình quân của cả tỉnh. Nhằm thông tin tới người dân các chủ trương, chính sách mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các vấn đề liên quan tới phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo đều được Trung tâm Truyền thông, văn hóa, thể thao huyện Trà Bồng truyền tải nhanh chóng.
Bên cạnh đó, trung tâm còn xây dựng các ấn phẩm giảm nghèo về thông tin phát sóng bằng cả tiếng phổ thông và tiếng dân tộc Cor để người dân tộc có thể nghe, hiểu rõ các chủ trương chính sách trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Các thông tin của trung ương, của tỉnh cũng được các đài truyền thanh cơ sở xã, thị trấn trong huyện tiếp sóng, từ đó lan tỏa các thông tin cần thiết cho người dân.
Ngoài cung cấp thông tin truyền thống trên đài phát thanh, huyện Trà Bồng còn xây dựng các thông tin trên nền tảng mạng xã hội Facebook.
Đây là kênh thông tin được đông đảo người dân đón nhận. Những hình ảnh quê hương, các mô hình làm kinh tế, các vấn đề thời sự trong huyện đều được cập nhật nhanh chóng.
Các thông tin cảnh báo về thiên tai, mưa lũ, lừa đảo cũng được cung cấp nhanh chóng cho người dân.
Nhiều xã, thị trấn trong huyện cũng xây dựng các trang website của xã mình để đăng tải các thông tin về lịch làm việc, công tác sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thu hoạch mùa màng và cảnh báo thời tiết bất thường.
Các hoạt động của tỉnh, huyện cũng được các xã cung cấp cho nhân dân. Việc cung cấp các thông tin cơ sở trên cổng thông tin điện tử của xã, huyện giúp thông tin lan truyền nhanh chóng, tới người dân kịp thời hơn. Nhiều cổng thông tin xã đã đạt lượt xem lên tới hàng chục nghìn.
Tại xã Đức Minh, huyện Đức Mộ, tỉnh Quảng Ngãi, cổng thông tin của xã với tên miền www.xaducminh.quangngai.gov.vn mỗi tháng cung cấp khoảng 15 – 20 tin bài thời sự tới người dân địa phương.
Các thông tin này đều phục vụ công tác phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, trả lời các kiến nghị của người dân liên quan tới hạ tầng giao thông, thủy lợi, sản xuất kinh doanh.
Đây cũng là diễn đàn cầu nối thông tin của nhân dân với chính quyền để họ nắm được tâm tư nguyện vọng của người dân.
Theo Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Quảng Ngãi, trong thời gian tới các địa phương tích cực xây dựng, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Cụ thể, xây dựng chính quyền số tập trung nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, đẩy mạnh phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo, thương mại điện tử và sản xuất thông minh.
Chú trọng đưa vào sử dụng các nền tảng, ứng dụng mới phục vụ người dân trong việc cung cấp thông tin, tăng khả năng giao tiếp, tương tác giữa người dân và cơ quan Nhà nước trên thiết bị thông minh…
Nhằm tăng cường công tác giảm nghèo về thông tin cho người dân, thời gian tới, Quảng Ngãi tiếp tục đầu tư hạ tầng phát triển hệ thống đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông.
Hệ thống này hoạt động trên nguyên tắc điều khiển truyền dẫn phát sóng thông qua máy tính, hoặc điện thoại thông minh có kết nối Internet đến các bộ thu phát sóng có lắp sim 4G và loa.
Cán bộ đài sử dụng trí tuệ nhân tạo trong chuyển đổi bản tin giấy sang giọng nói, cho phép thu, phát hoàn toàn tự động.
Từ cuối tháng 11 đến 15/12/2023, Quảng Ngãi lắp đặt hệ thống truyền thanh thông minh tại 22 xã huyện Lý Sơn với tổng kinh phí khoảng 8 tỷ đồng.
Từ các giải pháp khác nhau, Quảng Ngãi đã triển khai rộng rãi công tác giảm nghèo về thông tin cho người dân.