Thanh Sơn, một huyện miền núi thuộc tỉnh Phú Thọ, đang trên đà phát triển mạnh mẽ, nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức trong giáo dục, đặc biệt là vấn đề tiếp cận tri thức và thông tin. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng và phát triển các loại hình thư viện hiện đại, đa dạng đã trở thành công cụ quan trọng giúp giảm nghèo thông tin, mở ra những cơ hội mới cho thanh thiếu niên, học sinh, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số.
Tại sân trường Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Thanh Sơn, các em học sinh chăm chú đọc sách trong không gian thư viện ngoài trời thoáng đãng, xanh mát. Thư viện tận dụng không gian tự nhiên như sân trường, cây xanh, ghế đá, tạo môi trường đọc sách mở, gần gũi với thiên nhiên. Nhà trường cung cấp nguồn sách đa dạng, từ giáo khoa, tài liệu nghiên cứu đến các tác phẩm truyền cảm hứng, giúp học sinh vừa học tập vừa thư giãn hiệu quả.
Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Trung học Cơ sở Thanh Sơn cũng là đơn vị đi đầu trong việc phát triển các loại hình thư viện, tạo điều kiện tối đa để học sinh tiếp cận tri thức. Theo bà Đinh Thị Bích Thủy, hiệu trưởng nhà trường, ngoài thư viện kiểu truyền thống với các kệ sách đầy ắp, trường còn xây dựng các "góc thư viện" ngay tại lớp học, cho phép học sinh đọc sách mọi lúc, mọi nơi. Ngoài ra, thư viện ngoài trời tại trường đã trở thành điểm sáng trong việc nâng cao chất lượng học tập và giải trí.
Không gian thư viện ngoài trời được thiết kế thân thiện, tận dụng các khoảng xanh tự nhiên như sân trường và khu vực cây cối rợp bóng mát. Học sinh có thể ngồi dưới gốc cây, trên các ghế đá và chủ động chọn những cuốn sách yêu thích. Em Lê Tú Anh, học sinh lớp 8C, chia sẻ: “Con thích đọc sách ở thư viện ngoài trời vì không gian rất thoải mái, giúp con thư giãn và học hỏi thêm nhiều kiến thức.” Còn em Dương Thị Thùy Chi cũng không giấu được niềm vui: “Thư viện ngoài trời mở cửa 24/24, đọc sách ở đây khiến con thấy thư giãn và dễ tiếp thu hơn.”
Mô hình thư viện này không chỉ giúp các em tiếp cận tri thức trong môi trường gần gũi mà còn khuyến khích thói quen đọc sách, góp phần bồi đắp tình yêu với văn hóa đọc – một kỹ năng quan trọng để phát triển bền vững.
Bên cạnh các loại hình thư viện truyền thống, thư viện điện tử tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Thanh Sơn đã tạo bước đột phá trong việc cung cấp tri thức hiện đại. Đây là một hình thức khuyến khích học sinh tiếp cận thông tin qua công nghệ, giúp các em nắm bắt tri thức toàn diện, vượt qua những giới hạn về địa lý và tài nguyên sách báo.
Theo bà Đinh Thị Bích Thủy, thư viện điện tử không chỉ đơn thuần là nơi lưu trữ tài liệu mà còn là công cụ hỗ trợ học tập hiệu quả. Việc truy cập thư viện điện tử được tổ chức dưới sự giám sát của giáo viên, đảm bảo môi trường sử dụng an toàn. Theo đó, lớp học xuất sắc nhất trong tuần sẽ được thưởng quyền truy cập, trở thành nguồn động lực lớn cho các em phấn đấu.
Thư viện điện tử cũng mang lại cơ hội cá nhân hóa việc học. Học sinh có thể tìm kiếm tài liệu theo tốc độ và sở thích của mình. Em Lê Tú Anh tâm sự: “Thư viện số giúp con dễ dàng tìm kiếm kiến thức mới và học hỏi nhiều điều bổ ích.”
Thanh Sơn là nơi sinh sống của 17 dân tộc anh em, với hơn 60% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Việc xây dựng và phát triển các mô hình thư viện đã trở thành công cụ quan trọng giúp học sinh vùng cao tiếp cận tri thức, giảm nghèo thông tin và nâng cao chất lượng giáo dục.
Những thư viện này không chỉ dừng lại ở việc cung cấp sách báo, tài liệu học tập mà còn trở thành cầu nối văn hóa, giúp học sinh mở mang tầm nhìn, phát triển tư duy sáng tạo và tiếp cận thế giới. Đồng thời, đây cũng là bước tiến trong việc thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Việc phát triển các loại hình thư viện tại huyện Thanh Sơn, Phú Thọ không chỉ là giải pháp giáo dục mà còn là chiến lược giảm nghèo thông tin, tạo cơ hội học tập và phát triển cho học sinh dân tộc thiểu số. Những thư viện này không chỉ đơn thuần là nơi lưu trữ sách báo mà còn là biểu tượng của hy vọng, sự tiến bộ và kết nối với tri thức toàn cầu. Trong tương lai, những mô hình như vậy cần được nhân rộng, đảm bảo rằng không một học sinh nào bị bỏ lại phía sau trên hành trình chinh phục tri thức và vươn tới tương lai.