Kiến nghị này được Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đưa ra tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về công tác dân nguyện tháng 7/2022 của Quốc hội diễn ra chiều 9/8.
Chế độ lương chưa thỏa đáng
Đề cập đến tâm tư của cử tri gần đây, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu thực tế trong bối cảnh có nguy cơ “dịch chồng dịch” hiện nay, có một vấn đề cần quan tâm là “nhân viên y tế trong các cơ sở ý tế công lập, nhất là tuyến huyện, xã xin nghỉ việc tương đối nhiều”.
Ông dẫn lại báo cáo gần đây nhất của công đoàn y tế, tính từ năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, có 9.397 viên chức y tế xin thôi việc, nghỉ việc.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, có nhiều nguyên nhân như công việc căng thẳng, mua sắm thuốc khó khăn, an toàn cho nhân viên y tế… Trong đó nổi lên là chế độ lương cho nhân viên y tế thấp, chưa thỏa đáng vì y tế công lập chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước.
Dẫn chứng cả phản ánh của của báo chí rằng, “một bác sĩ sau 6 năm học, 18 tháng thực hành để cấp chứng chỉ hành nghề, nếu được tuyển dụng vào cơ sở y tế công lập, lương tháng tính theo chế độ nhà nước khi mới làm việc khoảng 5 triệu/tháng”, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, mức lương này đã cộng 40% phụ cấp ưu đãi, nhưng lại chưa trừ khoản bảo hiểm xã hội phải đóng.
“So sánh với mức thu nhập của cơ sở y tế ngoài công lập thì thấp hơn rất nhiều”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật so sánh.
Ông cũng cho biết, công đoàn y tế đã đề xuất sửa đổi Nghị định 57 của Chính phủ; nâng mức hưởng phụ cấp ưu đãi lên cao hơn; xem xét từng bước tính đúng, tính đủ hơn giá dịch vụ y tế để tăng thu nhập cho nhân viên y tế. Đồng thời xem xét điều chỉnh mức định biên đối với y tế cơ sở. Trong khi, quy định về mức định biên này đã áp dụng từ năm 2007 nên “rất thấp”.
“Hôm qua chúng tôi tổ chức phiên giải trình, chính Thứ trưởng Bộ Y tế báo cáo vẫn giai đoạn soạn thảo thông tư để thay thế thông tư liên tịch từ năm 2007, chưa được ban hành do chưa thống nhất được với Bộ Nội vụ”, ông Tùng nêu thực tế.
Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung nội dung này vào báo cáo của Ban dân nguyện tháng 7 để có đề xuất cụ thể.
Nghe xong, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, không chỉ riêng thu nhập của nhân viên y tế thấp mà trong hệ thống nhà nước hiện nay, cán bộ mới vào làm việc lương rất thấp.
“Cô giáo mầm non giờ đi ra ngoài làm việc ở doanh nghiệp rồi, bây giờ muốn thu hút để họ quay trở lại đi dạy rất khó vì lương giáo viên mầm non thấp hơn rất nhiều”, ông Vinh nêu thực tế.
Theo ông, việc cải cách tiền lương hoãn do khó khăn từ dịch bệnh, đến thời điểm này cũng đã lắng xuống rồi. Vì vậy, bây giờ phải tập trung thực hiện cải cách tiền lương để giải quyết vấn đề thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức”, ông Vinh nói.
Giá xăng giảm nhưng giá các mặt hàng thiết yếu vẫn chưa giảm
Trình bày báo cáo trước khi thảo luận, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân bày tỏ sự đau xót trước hy sinh của 3 chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy khi tham gia cứu nạn, chữa cháy tại quán karaoke ở Hà Nội.
Họ kiến nghị cần tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước, tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh thực hiện, duy trì điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy.
Bên cạnh đó, cử tri cũng đặc biệt quan tâm phản ánh việc giá xăng đã điều chỉnh giảm nhưng giá các mặt hàng thiết yếu vẫn chưa giảm tương ứng; việc người dân đi làm các thủ tục liên quan đến các giao dịch dân sự, hành chính vẫn có một số cơ quan, tổ chức yêu cầu cung cấp sổ hộ khẩu gốc hoặc bản sao hộ khẩu có công chứng.
Hoạt động vay tiền qua mạng xã hội và qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh gây nên tình trạng mất ổn định an ninh, trật tự xã hội. Các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tài khoản ngân hàng của người dân qua zalo, facebook, điện thoại vẫn còn xảy ra…
Ngoài ra, cử tri còn lo lắng về việc quy hoạch xây dựng các chung cư cao tầng trong khu vực nội thành còn bất cập; hàng ngàn căn hộ, nền đất tái định cư bị “bỏ hoang” nhiều năm gây lãng phí…
Ban Dân nguyện đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương và các cơ quan có liên quan theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời có giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý…
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan thực hiện đồng bộ, thống nhất với quy định về sổ hộ khẩu, sổ tạm trú; tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy; có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tài khoản ngân hàng của người dân qua zalo, facebook, điện thoại…
Kiến nghị nữa của Ban Dân nguyện là, quản lý chặt chẽ việc xây dựng các chung cư cao tầng trong khu vực nội thành; sớm có giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng căn hộ phục vụ tái định cư bị “bỏ hoang” gây lãng phí…