Thông tin trên vừa được ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) cho biết tại sự kiện ra mắt “Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng” vào ngày 27/12.
Đại diện Cục PTTH&TTĐT cũng cho hay, để đáp ứng yêu cầu của Bộ TT&TT về việc các nền tảng xuyên biên giới phải chủ động ngăn chặn triệt để và hiệu quả những quảng cáo phóng đại, sai sự thật, YouTube đã mất khoảng 2-3 tháng nghiên cứu, thay đổi thuật toán để truy tìm và xoá bỏ hơn 2.000 quảng cáo loại này, bằng tổng số quảng cáo vi phạm đã gỡ của 4 năm trước cộng lại.
Những năm gần đây, quảng cáo trên mạng đang phát triển vô cùng nhanh chóng, trở thành xu thế tất yếu được các doanh nghiệp trong và ngoài nước lựa chọn nhờ khả năng tiếp cận khách hàng lớn, chi phí linh hoạt, hiệu quả cao. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm này, quảng cáo xuyên biên giới cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, vấn đề đối với cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
Để tăng cường quản lý quảng cáo trên mạng, triển khai thực hiện Nghị định Nghị định 70 năm 2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 181/2013/NĐ-CP về quản lý quảng cáo xuyên biên giới, thời gian qua Bộ TT&TT đã triển khai nhiều giải pháp.
Cụ thể như, tổ chức các hội thảo để phổ biến văn bản quy phạm pháp luật và triển khai các giải pháp quản lý quảng cáo trên mạng tới các nhãn hàng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo trong và ngoài nước; thành lập các đoàn kiểm tra đột xuất các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới; rà soát, làm việc với các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm.
Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục PTTH&TTĐT, cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải gỡ bỏ quảng cáo vi phạm trong vòng 24 giờ theo đề nghị của Bộ.
Đồng thời, yêu cầu người phát hành quảng cáo và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo trong nước kiểm soát chặt hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới, dừng hợp tác với các nền tảng quảng cáo có nhiều vi phạm; không hợp tác quảng cáo với các website/nền tảng quảng cáo vi phạm pháp luật đã được công bố bởi Bộ TT&TT. Đến nay, Bộ TT&TT đã công bố 171 website vi phạm pháp luật.
Cách làm mới của Bộ TT&TT trong công tác quản lý quảng cáo trên mạng thời gian qua là Bộ đã đàm phán với Google để đạt thỏa thuận gỡ bỏ các quảng cáo vi phạm như thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe bằng phương thức gửi ảnh chụp, không cần gửi đường link video quảng cáo vi phạm; không cần nêu ra cụ thể quy định pháp luật Việt Nam bị vi phạm.
Cùng với đó, Bộ TT&TT còn xây dựng bộ danh sách nội dung “sạch” (Whitelist) và nội dung “đen” (Blacklist) trên mạng của Việt Nam. Trong đó, Whitelist gồm báo điện tử, tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội được cấp giấy phép hoạt động và tiếp tục mở rộng cho các website, tài khoản, kênh nội dung đăng ký thông tin để khuyến khích các nhãn hàng, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quảng cáo thực hiện quảng cáo trên các trang này.
Blacklist gồm các nhãn hàng, đại lý quảng cáo, nền tảng phát hành quảng cáo, trang thông tin điện tử vi phạm (website, tài khoản mạng xã hội, kênh nội dung, trang cộng đồng) cũng sẽ được Bộ TT&TT công khai và khuyến cáo không hợp tác quảng cáo với các đối tượng đó.