Sáng 13/12, ghi nhận của PV VietNamNet, trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), hàng chục công nhân đang tất bật đào xới đá lát bị vỡ để thay mới.
Tại đoạn vỉa hè trước cửa số nhà 277 Nguyễn Trãi, dài vẻn vẹn 100m nhưng có đến 300 viên đá bị vỡ.
Theo một công nhân đang thay đá vỉa hè, có nhiều đoạn khác trên tuyến đường này cũng phải thay lại toàn bộ đá, đoạn nào ít hư hỏng thì cũng có từ 20 - 30 viên bị vỡ.
Phần lớn vỉa hè dọc đường Nguyễn Trãi bị xuống cấp, hư hỏng. Thậm chí, nhiều đoạn đá lát vỉa hè bị vỡ vụn, trồi sụt thành mảng lớn.
Đoạn từ số nhà 386 – 526 Nguyễn Trãi (hướng từ Ngã Tư Sở đi Thanh Xuân) dài chưa đầy 350m nhưng có nhiều điểm đá lát hè bị vỡ.
Cá biệt, vỉa hè trước cửa số nhà 506 Nguyễn Trãi bị vỡ vụn cả mảng rộng chừng mười mét vuông. Vỉa hè gần vị trí bồn cây xanh, bể viễn thông cũng bị trồi sụt.
Anh Nguyễn Thanh Hà (Sinh viên trường Đại học Hà Nội) cho biết, vỉa hè bị vỡ vụn, trồi sụt gây khó khăn cho người đi lại.
“Ngày khô ráo bình thường đi lại đã khó khăn, ngày mưa đá lát bị vỡ trơn trượt dễ bị ngã”, anh Nguyễn Thanh Hà nói.
Ông Trịnh Đức Thông (Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, việc lát đá làm đẹp vỉa hè là cần thiết nhưng cần phải tính toán kĩ vật liệu sao cho tránh hỏng hóc, lãng phí.
“Tôi thấy rất xót xa khi đá bị vỡ, mỗi năm thành phố bỏ ra bao nhiêu tiền của để lát đá nhưng không lâu sau lại hỏng hóc, lại bỏ tiền thay thế, quá tốn kém”, ông Trịnh Đức Thông nói.
Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDA) quận Thanh Xuân cho biết, sau khi hết thời hạn bảo hành, vỉa hè tại đường Nguyễn Trãi được duy tu.
Lý giải về thực trạng nhiều vị trí vỉa hè dù được lát đá “siêu bền” nhưng sau 5-6 năm đưa vào sử dụng đã vỡ, vị lãnh đạo này này cho biết là do nhiều nguyên nhân.
Cụ thể, vỉa hè được thiết kế theo tiêu chuẩn cho người đi bộ nhưng nhiều thời điểm xe cộ (xe máy, xe ô tô…) vẫn trèo lên.
Bên cạnh đó, công tác duy tu vỉa hè chưa được cơ quan chức năng chú trọng dẫn đến hiện tượng “vết dầu loang”. Ban đầu, chỉ 1 viên bị vỡ nhưng không được thay thế kịp thời khiến nhiều viên gạch liền kề bị nứt, vỡ.
Một nguyên nhân khách quan khác là do các đơn vị hạ ngầm bên điện lực, thoát nước... khi tiến hành cậy đá vỉa hè lên thi công nhưng hoàn trả lại mặt bằng lại không đúng hiện trạng ban đầu.
“Còn do chất lượng đầu vào của đá lát vỉa hè”, vị này thông tin thêm.
Nói về giải pháp khắc phục, vị lãnh đạo Ban QLDA quận Thanh Xuân thông tin kể từ năm nay đơn vị sẽ thực hiện nghiêm túc việc bảo trì, duy tu vỉa hè trên địa bàn quận.
Đặc biệt, đơn vị sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp để hạn chế phương tiện giao thông đi lại trên vỉa hè.
“Ban QLDA kỳ vọng khi thực hiện đồng bộ các giải pháp, tiến hành duy tu thường xuyên sẽ giúp tuổi thọ vỉa hè cao hơn. Năm nay, khái toán kinh phí duy tu toàn bộ các vỉa hè trên địa bàn quận khoảng 2 tỷ đồng, bao gồm cả vỉa hè 2 tuyến phố Nguyễn Trãi và Lê Trọng Tấn”, vị này nói.
Năm 2017, quận Thanh Xuân đầu tư hơn 100 tỷ đồng cho hạng mục vỉa hè, trong đó có lát đá ở đường Nguyễn Trãi. Thời điểm đó, Ban Quản lý dự án quận lý giải chi phí lớn như vậy vì toàn tuyến Nguyễn Trãi dài hơn 7km, vỉa hè rộng, phải đồng bộ cả chiếu sáng, hạ ngầm, cây xanh. Ưu điểm của loại đá lát vỉa hè này so với vật liệu khác là độ bền, độ cứng, độ chống thấm, độ chịu nước. Tuổi thọ của đá tự nhiên là từ 50 - 70 năm, bền màu theo thời gian... |