Vừa xảy ra một vụ sạt lở kinh hoàng tại đường Hoàng Hoa Thám thuộc phường 10, TP.Đà Lạt sau trận mưa kéo dài khoảng 3 giờ đồng hồ khiến 2 vợ chồng công nhân bị vùi lấp đã tử vong. Hàng trăm tấn đất đá, taluy đổ ập xuống nhà dân và khu lán trại công nhân.
Vài ngày trước đó, cơn mưa lớn trong 30 phút khiến Đà Lạt bị ngập nặng nhiều nơi. Điểm ngập đáng lưu ý nhất có lẽ là khu vực dọc các suối Cam Ly, Phan Đình Phùng, Quang Trung, Đa Thiện, Hà Đông… Nước tràn mênh mông trên hàng loạt tuyến đường Trần Quốc Toản, Bùi Thị Xuân, Cách Mạng Tháng Tám, nút giao khu du lịch vườn hoa thành phố Đà Lạt, khu vực quy hoạch Golf Valley Đà Lạt. Các cơ quan chức năng đã yêu cầu nhanh chóng di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Đà Lạt những năm qua, lặp đi lặp lại điệp khúc ngập nặng do mưa lớn, gần đây còn xảy ra sạt lở. Một người sống hơn 30 năm tại trung tâm cho biết, nước tràn vào nhà nhanh tới mức không kịp dọn dẹp đồ đạc và kê hàng hóa lên cao, ngày xưa mưa lớn đến mấy chẳng sao nhưng giờ thì ngập nặng, nước chảy như lũ quét. Nhiều người có kế hoạch đi du lịch Đà Lạt nhắn tin dò hỏi tình hình, lo lắng.
Điều kỳ lạ là với địa hình cao hơn mực nước biển đến 1.500m, sườn núi, đồi dốc, hệ thực vật rừng bao quanh với suối, hồ lẽ ra thoát nước ở Đà Lạt thuận lợi hơn nhiều khu vực khác.
Bê tông hóa Đà Lạt
Dễ thấy rõ nguyên nhân chủ yếu từ phía chính sách quản lý, điều hành. Đà Lạt bị bê tông hóa dày đặc, đô thị hóa mất kiểm soát. Không gian tự nhiên, vùng trũng bị lấn chiếm đã thu hẹp dòng chảy và chỗ thấm nước. Lấp dần suối, hồ và những khoảng trống trước vỉa hè cũng bị tận dụng cơi nới bịt kín.
Hầu hết các trục đường khu vực trung tâm sử dụng đất chạy theo thương mại, khách sạn, nhà nghỉ, bất động sản theo kiểu phân lô bán nền đơn lẻ và manh mún với xây dựng nhà liền kề với bề ngang khoảng 4-5m đã trở thành 2 con đê chứa nước khi có mưa lớn.
Chưa kể không biết bao đồi thông, cảnh quan kiến trúc tự nhiên phải nhường chỗ cho bê tông hóa. Đồi Cù rộng hơn 71,5 ha cũng bị san ủi làm sân golf, xây khu phức hợp 7 tầng.
Khu vực trung tâm ngày càng nén chặt công trình xây dựng trong “quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt", không gian xanh còn sót lại tại Dinh tỉnh trưởng còn gọi là đồi Dinh rộng 4,43 ha đã có từ năm 1910 là di tích gắn với lịch sử Đà Lạt dù có tên trong danh sách bảo tồn đặc biệt nhưng cũng có trong kế hoạch di dời để xây dựng tổ hợp khách sạn 10 tầng với nhà hàng, khu thương mại.
Trước đó, thành phố này từng được cảnh báo tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Giờ còn thêm kẹt xe phải lắp đặt đèn tín hiệu, không còn danh hiệu "thành phố không đèn giao thông".
Ai đến Đà Lạt đều có thể chứng kiến giao thông hỗn loạn, ùn tắc nhiều nẻo đường trung tâm, tiếng còi xe inh ỏi, những làn khói thải ra từ những phương tiện cũ, nhất là trong các kỳ nghỉ lễ. Hàng quán thì đông nghịt người, thậm chí phải đứng đợi, cảnh nhếch nhác quanh chợ. Nhìn chung không còn cảm giác tìm sự yên bình lãng mạn của một Đà Lạt như nó đã có.
Đà Lạt có diện tích khoảng 393km². Hơn 90 năm trước những kiến trúc sư người Pháp lập quy hoạch đã tính toán cảnh báo nguồn nước ngầm, nước bề mặt chỉ đủ cung ứng cho khoảng 120.000 người. Nhưng theo một thống kê năm 2020, dân số đã là 620.000 - 650.000 người. Tỉ lệ đô thị hóa, tập trung dân số dự báo sẽ càng tăng cao với Đà Lạt.
Ở nước ta, nhiều địa phương đã sai lầm trong phát triển rơi vào thảm họa xây dựng tràn lan đánh đổi cảnh quan, môi trường tự nhiên, di sản quý giá gây ra hệ lụy lớn mà khắc phục vô cùng khó khăn và tốn kém. Ngập nước không chỉ ở Đà Lạt mà còn xuất hiện ở vùng cao TP.Hà Giang, Sa Pa (Lào Cai), thậm chí là đảo ngoài khơi như Phú Quốc (Kiên Giang).
Nhìn ra thế giới
Nhiều thành phố, đô thị nổi tiếng trên thế giới được quy hoạch theo hướng hài hòa đảm bảo các giá trị cốt lõi, phát triển bền vững như Paris (Pháp), Tokyo (Nhật Bản), Thượng Hải (Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan)…
Ví dụ ở Seoul (Hàn Quốc), chính quyền đã ngưng xây dựng một tòa nhà lớn chỉ vì làm cản trở ánh nắng buổi sáng, tầm nhìn ngôi chùa 100 năm tuổi. Họ quy định xây dựng công trình dịch vụ có diện tích sàn từ 100.000m2, nhà cao từ 10 tầng phải cách trung tâm 30km.
Singapore dù diện tích cả nước chỉ rộng khoảng 700km2, đất chật người đông, mật độ xây dựng cực kỳ cao nhưng vẫn giữ nét cổ điển với hiện đại hóa, lấy cảnh quan kiến trúc di sản làm điểm nhấn cho quy hoạch thiết kế đô thị và các công trình xây dựng.
Bên này đại lộ Qrchard với tầng tầng lớp lớp cao ốc chọc trời, trung tâm thương mại sầm uất, phương tiện đông đúc nhưng phía đối diện là khu vực yên tĩnh, trầm mặc cổ kính với các lối đi bộ, cung đường Emerald Hill, các dãy nhà một tầng vẫn được giữ nguyên kiểu kiến trúc gần giống phố cổ Hội An.
Singapore đã sớm có quy hoạch chiến lược, tầm nhìn sử dụng đất tích hợp phục vụ phát triển đô thị gồm giao thông, nhà ở, thương mai, công nghiệp, nông nghiệp, môi trường, nguồn nước, cảnh quan, bảo tồn đô thị… Nguyên tắc có tính bản sắc địa phương gồm phát huy các di sản, văn hóa, khía cạnh xã hội quan trọng. Vệ sinh đường phố, phủ xanh mặt đất, làm sạch sông suối, bảo vệ và cung cấp nguồn nước sạch.
Năm 1991, cơ quan chức năng nhận thấy đến lúc phải mở đường cho phi tập trung hóa toàn diện đã đưa vào hệ thống phân vùng, tiểu vùng, vành đai với hệ thống tàu điện ngầm MRT kết nối giữa các trung tâm đô thị đi kèm các chính sách khuyến khích đầu tư giúp kéo giãn dân số nội thành.
Năm 2001, bản quy hoạch chiến lược được cập nhật hướng tới “một thành phố thịnh vượng đẳng cấp thế giới trong thế kỷ 21” đã tập trung vào 3 động lực phát triển chính là bản sắc riêng, trung tâm kinh doanh toàn cầu, hoạt động giải trí và du lịch. Tầm nhìn này định hướng cho Singapore có sự tăng trưởng trong 40-50 năm tiếp theo dựa trên kịch bản 5,5 triệu dân.
Cần giữ lại một Đà Lạt xanh
Phát triển thành phố, đô thị đâu cứ nhất quyết phải bê tông hóa. Đà Lạt dù có đầu tư bao nhiêu nhà cao tầng cũng không hiện đại như ở các đô thị lớn trong nước gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ… Càng không thể so sánh với nước ngoài. Hiếm khi ai đó dành thời gian đi du lịch lên cao nguyên, phố núi chỉ để ngắm những khối bê tông vô hồn.
Đà Lạt có thể cải tạo lại cho phát hiển nhưng không nhất thiết phá vỡ thêm mảng xanh, cảnh quan, kiến trúc, di sản, khu vực trung tâm vốn nhỏ hẹp và mất phần lớn không gian chung đã quá sức chịu đựng. Nếu làm tốt công tác quản lý, đảm bảo an toàn với không gian sống vẫn có thể lồng ghép hài hòa giữa cũ và mới theo hướng tích cực trong phát triển.
Chẳng hạn với khu vực trung tâm, chỉ chấp thuận cho phép đầu tư những dự án có giá trị nghiên cứu khoa học, công nghệ chuyển đổi số, bảo vệ môi trường, không phá vỡ cảnh quan. Công trình nhà cao tầng có thể xây dựng ở ngoại thành lồng ghép dịch vụ vừa kéo giãn dân số cho trung tâm vừa phát triển đô thị vệ tinh các huyện Đức Trọng, Đơn Dương... Cả tỉnh Lâm Đồng còn nhiều nơi hoang vắng, không nhất thiết dồn hết vào trung tâm Đà Lạt.
Rà soát trên các tuyến đường khu vực trung tâm, không gian trống thiếu mảng xanh để trồng loại cây phù hợp, hoa cảnh tạo mỹ quan vừa góp phần thấm nước tự nhiên, trữ nước mùa khô, giảm tác hại từ mật độ giao thông. Khuyến khích tạo thêm mảng xanh, công viên.
Tận dụng địa hình với đầu tư hệ thống cống đồng bộ cho khu vực bị ngập sao cho kịp thoát nước cho mọi cơn nưa lớn, nhỏ. Tăng cường khả năng trữ nước, cấp nước sinh hoạt cho khu vực trung tâm. Giao thông nên theo hướng tăng phương tiện công cộng với năng lượng xanh và sạch như xe buýt điện, xe đạp, đi bộ thay thế phương tiện cá nhân. Việc này làm càng sớm càng lợi, chờ lâu sẽ vô cùng tốn kém và càng khó khăn hơn rất nhiều.
Mô hình cải tạo nâng cấp các thành phố, đô thị nổi tiếng trên thế giới được quy hoạch chiến lược bài bản đảm bảo các giá trị cốt lõi, phát triển bền vững rất đáng tham khảo. Cần một bản quy hoạch chiến lược như thế cho Đà Lạt, như những gì Singapore đã làm và thành công.
Kỹ sư Trần Văn Tường