Ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở TT&TT thành phố Đà Nẵng cho biết, từ năm 2019, Sở đã triển khai Chatbot tự động giải đáp, hỗ trợ sử dụng dịch vụ công. Tiện ích này được tích hợp trên Cổng dịch vụ công thành phố Đà Nẵng tại địa chỉ dichvucong.danang.gov.vn, bao gồm cả App mobile.
Để nâng cao hơn nữa việc hỗ trợ người dân theo xu hướng sử dụng dịch vụ qua điện thoại cá nhân, mới đây Sở TT&TT thành phố Đà Nẵng đã nâng cấp đưa vào sử dụng trợ lý ảo tự động giải đáp, hỗ trợ sử dụng dịch vụ công gồm cả Chatbot và Voicebot.
Theo đó, trợ lý ảo sẽ hướng dẫn tổ chức, công dân tra cứu tự động thông tin như: thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực được quan tâm nhiều, văn bản quy phạm pháp luật của thành phố Đà Nẵng, các thông tin kinh tế - xã hội phổ biến…
Để sử dụng, người dùng cần truy cập Cổng dịch vụ công Đà Nẵng trên máy tính hay điện thoại…, bấm vào biểu tượng trợ lý ảo ở góc dưới bên phải của màn hình. Người dùng có thể đặt câu hỏi bằng tin nhắn hoặc giọng nói, trợ lý ảo sẽ phản hồi thông qua tin nhắn (Chatbot) hoặc âm thanh/giọng nói (Voicebot).
Đại diện Sở TT&TT thành phố Đà Nẵng cho biết, Sở đã đề nghị các Sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện, xã, phường cùng các đơn vị sự nghiệp có cung cấp dịch vụ công trực tuyến qua Cổng dịch vụ công thành phố hướng dẫn, phổ biến cho cán bộ, công chức, viên chức; các tổ chức, doanh nghiệp thuộc quản lý của ngành, địa phương biết và sử dụng.
Tổng đài Dịch vụ công của thành phố là đầu mối hướng dẫn sử dụng, tiếp nhận các vướng mắc, đề xuất liên quan đến việc triển khai Trợ lý ảo tự động giải đáp, hỗ trợ sử dụng dịch vụ công qua tin nhắn và giọng nói.
Tính đến đầu tháng 12/2022, thành phố Đà Nẵng đã triển khai 1.887 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 1.801 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 86 dịch vụ công trực tuyến một phần.
Thời gian qua, Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, bao gồm: giao chỉ tiêu dịch vụ công trực tuyến gắn trách nhiệm với người đứng đầu cơ quan, đơn vị từ năm 2021 và tiếp tục trong năm 2022; hầu hết cơ quan, địa phương trên địa bàn đã áp dụng chính sách giảm phí, lệ phí để khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến; ban hành chính sách giảm thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến để khuyến khích người dân dùng dịch vụ công trực tuyến…
Đặc biệt, Đà Nẵng đã chuẩn hóa và nâng cao trải nghiệm người dùng để cải tiến chất lượng dịch vụ công trực tuyến. Cụ thể, từ giữa tháng 9/2022, triển khai nền tảng Công dân số thành phố Đà Nẵng, theo đó mỗi người dân có tài khoản công dân số và kho dữ liệu trên Hệ thống để sử dụng dịch vụ công, tiện ích của chính quyền và doanh nghiệp có thể tra cứu, giúp giảm thành phần hồ sơ.
Cùng với đó, Thành phố đã triển khai Kho dữ liệu hồ sơ thủ tục hành chính số. Được Sở TT&TT xây dựng và đưa vào sử dụng chính thức từ tháng 7/2022, hệ thống cho phép tự động tiếp nhận kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính được ký số từ Phần mềm một cửa điện tử sau khi hồ sơ được xác nhận hoàn thành; cho phép tổ chức, công dân, cán bộ công chức tải tài liệu ký số lên kho để lưu trữ.
Thống kê của Sở TT&TT thành phố Đà Nẵng cho hay, tính đến cuối tháng 11/2022, số dịch vụ công phát sinh hồ sơ trực tuyến là 690/763 dịch vụ, chiếm tỷ lệ 90,43% tổng số dịch vụ công có phát sinh hồ sơ dịch vụ công, tăng 4,68% so với cuối tháng 10/2022 và vượt mục tiêu tối thiểu thành phố đặt ra đến cuối năm 2022 (85%). Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến tính chung toàn thành phố đạt 71%, tăng 4% so với tháng 10/2022 và cũng vượt mục tiêu tối thiểu của thành phố vào cuối năm nay (65%).