Chiều 7/7, Sở TT&TT TP Đà Nẵng phối hợp cùng Hội Tin học Việt Nam tổ chức hội thảo giới thiệu nền tảng và các ứng dụng công nghệ Blockchain trong quản lý tài sản số, phát triển kinh tế số.
Ông Trần Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng cho biết, trong Nghị quyết số 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP và Đề án Chuyển đổi số TP, đặt nhiệm vụ trọng tâm phát triển các nền tảng phục vụ cho chuyển đổi số, ưu tiên nghiên cứu một số công nghệ cốt lõi có thể đi tắt đón đầu và có khả năng bứt phá mạnh mẽ như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain)…để tạo ra các mô hình kinh doanh mới, sản phẩm, dịch vụ mới có giá trị cao.
Theo ông Thạch, hiện nay Sở đang phối hợp với Hội Tin học Việt Nam và các chuyên gia triển khai xây dựng nền tảng DaNangChain trong quản lý tài sản số, gia tăng giá trị cho các sản phẩm của TP.
“Nền tảng này trước tiên sẽ ứng dụng cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm OCOP để giúp giá trị sản phẩm của người dân thành phố được nâng lên và tiếp cận toàn cầu. Bên cạnh đó là phục vụ cho chính quyền điện tử thông minh như quản lý văn bản số, bảo tàng số, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, quản lý đất đai…”, ông Thạch thông tin.
Hiện nay nền tảng DaNangChain bắt đầu thí điểm, sau quý III/2023 sẽ đánh giá lại và hướng đến mở rộng đảm bảo mở cho các doanh nghiệp cùng tham gia.
Giới thiệu về nền tảng blockchain, kế hoạch triển khai xây dựng DanangChain, ông Huy Nguyễn - Giám đốc Công ty CP Kardia Labs cho biết, một trong những đặc tính quan trọng của blockchain là minh bạch, rõ ràng. Trước đây, mọi người hay nghe nói đến blockchain là tiền số, tiền mã hóa cũng như các dịch vụ về tài chính. Tuy vậy, vài năm trở lại đây, công nghệ blockchain phát triển rất nhiều xây dựng ra được những nền tảng như Metabot cho phép mọi người mua bán, trao đổi hàng hóa.
“Lý do chúng ta chưa thấy blockchain được đưa ra nhiều ngoài vấn đề tiền mã hóa thôi là bởi vì chi phí khá đắt đỏ.Nếu sử dụng nền tảng của nước ngoài thì có thể tới hàng chục cho đến hàng trăm USD mỗi giao dịch, điều đó ngăn cản khả năng tiến xa của công nghệ này”, ông Huy cho biết.
Theo ông Huy, việc Đà Nẵng đầu tư nền tảng DanangChain sẽ phục vụ cho phát triển TP thông minh, tài chính số và nền tảng cho Chính phủ điện tử của TP. Đây là yếu tố tiên quyết đầu tiên cần phải thực hiện.
Bên cạnh đó, khi Đà Nẵng sở hữu nền tảng riêng cho mình sẽ giảm chi phí vận hành xuống rất thấp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sử dụng được nền tảng mà không phải đi tới những cái "chain" khác trên toàn quốc tế.
“DanangChain dự kiến bắt đầu trong tháng 7/2023, hoàn thiện trong quý III/2023 và khởi động để tất cả các đơn vị, doanh nghiệp có thể tham gia. Hy vọng đến quý IV/2024, Đà Nẵng sẽ ra mắt nền tảng DanangChain, đây cũng sẽ là hạ tầng Blockchain công khai quy mô ở thành phố đầu tiên không chỉ Việt Nam mà còn ở Đông Nam Á.
Với những bước phát triển gần đây và tâm huyết của Đà Nẵng để xây dựng DanangChain thì chúng ta có thể thấy được thời gian đến sẽ có nhiều sản phẩm, nhiều ứng dụng khác nhau được đưa lên blockchain”, ông Huy chia sẻ.
Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam - Nguyễn Long đánh giá, việc Đà Nẵng sẵn sàng thử nghiệm, xây dựng nền tảng số mới mang tính đột phá trên công nghệ blockchain là điều rất ý nghĩa, giúp mang lại lợi ích cho nền kinh tế, doanh nghiệp và tất cả cách lĩnh vực khác để người dân có thể tiếp cận.
Trong khuôn khổ hội thảo, Sở TT&TT Đà Nẵng và Câu lạc bộ chữ ký số và giao dịch điện tử Việt Nam, các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về thúc đẩy phổ cập chữ ký số trên địa bàn thành phố; đặc biệt là triển khai cấp chữ ký số miễn phí cho người dân để thuận lợi trong sử dụng dịch vụ công và các giao dịch điện tử.