Theo đó, UBND quận Sơn Trà xử phạt bà Hoàng Thị Lệ (SN 1966, trú tổ 45 phường Mân Thái, quận Sơn Trà) số tiền 12,5 triệu đồng vì đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng rừng sang đất phi nông nghiệp, không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép.
Cụ thể, bà Lệ đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sản xuất tại tiểu khu 64, thuộc bán đảo Sơn Trà (phường Thọ Quang) với diện tích hơn 610m2 và xây dựng các công trình trên đất để sử dụng vào mục đích kinh doanh.
Với hành vi tương tự, ông Hồ Bình (trú tổ 20 phường Mân Thái) bị xử phạt số tiền 12,5 triệu đồng. Ông Bình đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sản xuất tại tiểu khu 64, thuộc bán đảo Sơn Trà (phường Thọ Quang) với diện tích hơn 546m2.
Cùng với việc phạt tiền, quận Sơn Trà cũng buộc 2 cá nhân nói trên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
Trước đó, ngày 17/3, UBND quận Sơn Trà cũng ra quyết định xử phạt 5 hộ dân khác do xây dựng các công trình dịch vụ trái phép trên đất rừng ở bán đảo Sơn Trà.
Trong đó, 3 hộ bị phạt 7 đến 12,5 triệu đồng về hành vi chuyển đổi từ 400-900m2 đất rừng sản xuất sang đất phi nông nghiệp mà không được cơ quan Nhà nước cho phép; tự ý xây dựng các công trình trên đất rừng sản xuất.
Hai hộ bị phạt 5 triệu đồng về hành vi chiếm 100-300m2 đất chưa sử dụng tại khu vực bán đảo Sơn Trà để xây dựng các công trình dịch vụ ăn uống.
UBND quận Sơn Trà đã yêu cầu 5 hộ dân tháo dỡ công trình, khôi phục tình trạng ban đầu của đất rừng, trả lại đất đã chiếm cho Nhà nước quản lý. Nếu không chấp hành sẽ bị cưỡng chế.
Trước đó năm 2016, Thanh tra TP Đà Nẵng chỉ ra 68 công trình xây dựng trái phép trên bán đảo Sơn Trà giai đoạn từ 1997 đến 2010. Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (cũ) giao khoán đất rừng đặc dụng có rừng tự nhiên cho các hộ dân trồng rừng và phát triển kinh tế là trái quy định.
UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo quận Sơn Trà hoàn thành việc xử lý công trình trái phép trong năm 2022. Tuy nhiên, do vướng mắc về thủ tục pháp lý nên đến nay quận mới xử lý được 10 trường hợp. UBND quận đề ra lộ trình đến năm 2025 sẽ xử lý dứt điểm toàn bộ công trình còn lại.