Theo nhà báo Jessica Karl của Bloomberg, với nhiều người, đồng tiền của Mỹ trở thành khoản đầu tư tốt nhất thế giới trong năm qua. Đồng USD đã tăng giá so với hầu hết loại tiền tệ khác.
Bởi theo nhà báo Jared Dillian, đồng bạc xanh là đồng tiền dự trữ, phương tiện trao đổi chính của thế giới. Đồng USD tham gia vào khoảng 90% giao dịch ngoại hối trên toàn cầu, chiếm 6.000 tỷ USD hoạt động kinh tế/ngày trong giai đoạn trước đại dịch.
Bloomberg Dollar Spot Index - chỉ số đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh với các đồng tiền chính khác - đã tăng 16% kể từ tháng 5/2021.
Biến động của Bloomberg Dollar Spot Index - chỉ số đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh - trong vòng 5 năm qua. Ảnh: Bloomberg. |
Lợi bất cập hại
Khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dừng bơm tiền ồ ạt vào thị trường, nhu cầu đối với những đồng USD sẵn có tăng lên. Theo ông Jared, các nhà đầu tư nhỏ lẻ đổ xô vào đồng bạc xanh như những gì họ từng làm với cổ phiếu meme vào năm ngoái.
Ông Jared gọi đó là "những giao dịch kỳ lạ". Bởi đồng USD mạnh lên đồng nghĩa với sự sụt giảm của các khoản đầu tư khác như cổ phiếu, vàng và dầu.
Giới đầu tư cho rằng đồng USD mạnh lên sẽ giáng đòn vào các công ty công nghệ có trụ sở ở Mỹ. Những công ty này kiếm phần lớn doanh thu từ các thị trường nước ngoài.
Theo ước tính của ông Ben Laidler - chiến lược gia tại eToro, sự tăng giá của đồng USD có thể khiến tăng trưởng thu nhập của các công ty thuộc chỉ số S&P 500 lao dốc 5 điểm phần trăm trong năm nay.
Giới đầu tư ngỡ ngàng khi đồng euro giảm còn 1 USD đổi 1 euro, thậm chí có lúc rơi xuống dưới mốc này vào tuần trước. Ảnh: Twitter. |
Các nhà giao dịch cũng tin rằng đà tăng của đồng USD sẽ tạo sức ép lên thị trường hàng hóa như vàng và dầu. Giá dầu đã lao dốc mạnh trong tuần trước sau thông tin về mức lạm phát cao kỷ lục tại Mỹ. Giới quan sát cho rằng FED sẽ mạnh tay nâng lãi suất để hạ nhiệt giá cả.
Theo giới chuyên gia, các nhà đầu tư tham gia vào thị trường ngoại hối còn dễ thua lỗ vì sự biến động của tiền tệ. Ông Andy Constan - Giám đốc điều hành Damped Spring Advisors - cho rằng các nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể dễ bị cuốn vào bẫy tâm lý "FOMO" (sợ bỏ lỡ).
"Đến nay, đồng euro đã giảm mạnh. Giai đoạn thích hợp để đặt cược và kiếm lời có thể qua rồi", ông Constan nhận định. Ông cho rằng việc "lên tàu vào cuối đà giảm" sẽ không phải ý tưởng hay.
Đà tăng sắp chấm dứt?
Hôm 20/7, đồng euro đã tăng giá so với đồng USD lên mức cao nhất trong vòng 2 tuần. Đồng tiền chung châu Âu hưởng lợi nhờ thông tin Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đang cân nhắc nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, thay vì 0,25 điểm phần trăm như dự báo.
Cụ thể, đồng euro đã tăng 0,5% lên mức 1,02730 USD đổi 1 euro, mức cao nhất kể từ đầu tháng 6, rồi quay đầu giảm nhẹ.
Khả năng ECB thắt chặt chính sách mạnh tay hơn dự kiến có thể cản trở đà tăng của đồng USD. Sức mạnh của đồng USD hiện đã thấp hơn 2,5% so với mức cao nhất 20 năm được thiết lập vào tuần trước.
Trong khi đó, giới đầu tư cũng giảm kỳ vọng vào việc FED nâng lãi suất 1 điểm phần trăm. Theo Reuters, sau những bình luận của các quan chức FED, thị trường đánh giá xác suất ngân hàng trung ương Mỹ tăng lãi suất 100 điểm cơ bản chỉ là 23%.
"Đồng bạc xanh đã tăng khá mạnh trong 12 tháng qua. Đà tăng có thể kéo dài hơn nữa", ông Edward Moya - chuyên gia tài chính tại hãng tư vấn Americas Oanda (có trụ sở ở Mỹ) - nói với Zing. "Tuy nhiên, một khi giới đầu tư cho rằng khả năng FED thắt chặt chính sách đã được phản ánh hết trên thị trường, đà tăng của đồng USD sẽ chấm dứt", ông nói thêm.
Các quốc gia khác cũng có thể mạnh tay hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ và tài khóa. Mới đây, Thống đốc Ngân hàng Dự trữ Australia Philip Lowe cho rằng lãi suất có thể tăng ít nhất gấp 2 lần so với mức hiện tại.
Điều này đưa đồng tiền Australia lên 0,6927 USD đổi 1 AUD, mức cao nhất 3 tuần.
Hôm 19/7, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) Andrew Bailey cho biết Ủy ban Chính sách Tiền tệ Anh (MPC) có thể cân nhắc tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách tháng 8.
Nếu BoE nâng lãi suất 50 điểm cơ bản, đây sẽ là đợt tăng lãi suất lớn nhất trong vòng gần 30 năm.
Trước đó, nhiều nhà đầu tư USD cho rằng các ngân hàng trung ương khác như ECB và BoE khó mạnh tay trong việc nâng lãi suất như FED. Bởi châu Âu đang lao đao vì cuộc khủng hoảng khí đốt cận kề.
(Theo Zing)