Dính “hạn” đăng kiểm
"Hơn 50% đội xe của tôi sẽ hết hạn đăng kiểm vào tháng 5 và tháng 6 tới. Chúng tôi đã đăng ký lịch hẹn đăng kiểm qua mạng, tuy nhiên họ trả lời tất cả các xe đều phải chờ từ 20- 30 ngày kể từ khi hết hạn mới đến lượt. Xe nằm bãi thì không thể vận chuyển được hàng hóa, trong khi vẫn phải trả chi phí thuê bến bãi, trả lương cho tài xế… Doanh nghiệp vận tải của tôi đã bị lao đao bởi 2 năm đại dịch Covid, nay lại dính thêm “hạn” đăng kiểm này, có nguy cơ phá sản." Giám đốc một doanh nghiệp vận tải ô tô tại Hà Nội than thở như vậy.
Lời phàn nàn như trên là phổ biến khi tôi tìm gặp hay trao đổi với nhiều doanh nghiệp vận tải thời gian gần đây.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, ông Nguyễn Văn Quyền, cho biết thêm, gần đây hiệp hội đã nhận được rất nhiều phản ánh của các hội viên liên quan đến vấn đề đăng kiểm. Xe hết hạn đăng kiểm mà không đăng kiểm được thì không dám lưu thông trên đường, dẫn đến không đảm bảo thời gian giao hàng theo hợp đồng của đối tác, bị phạt, bị cắt hợp đồng. Hoạt động vận tải bị đứt gãy sẽ gây tác động đến hầu hết các lĩnh vực kinh doanh khác.
Thực tế trên cho thấy, Thông tư 02/2023/TT-BGTVT về đăng kiểm được Bộ Giao thông Vận tải ban hành ngày 21/3/2023 và được thực hiện hơn 1 tháng vừa qua, đã không giải quyết được tình trạng tắc đăng kiểm.
Cục Đăng kiểm Việt Nam công bố, sẽ có 3,1 triệu xe không kinh doanh vận tải đang lưu hành được giãn chu kỳ kiểm định, nhưng là giãn ở chu kỳ kiểm định tiếp theo, chứ không phải áp dụng luôn ở chu kỳ đăng kiểm hiện tại. Còn với những xe mới được miễn kiểm định, mỗi năm chỉ khoảng 500.000 xe. Do vậy số lượng xe đến kỳ kiểm định hiện nay và trong thời gian tới vẫn rất lớn.
Tình trạng dồn ứ, tắc nghẽn ở các trung tâm kiểm định phương tiện, đã kéo dài từ nhiều tháng qua và hiện tại vẫn rất căng thẳng. Trước đây thì ô tô xếp hàng ùn ứ tại các trung tâm đăng kiểm để chờ đến lượt, còn bây giờ lại ùn ứ trên mạng. Ứng dụng đặt lịch đăng kiểm xe online (TTDK) bị phàn nàn là thường xuyên quá tải, hoạt động không thông suốt.
Các doanh nghiệp vận tải đều đang rất khổ sở khi đi kiểm định phương tiện. Tình trạng này xảy ra không phải là lỗi từ phía họ, nhưng họ lại là những người phải gánh chịu hậu quả. Nhiều tiếng nói bức xúc đã đặt câu hỏi, tại sao tình trạng này kéo dài lâu rồi mà các cơ quan quản lý vẫn chưa khắc phục được? Họ đang làm gì? Họ có phải đi đăng kiểm xe không và có chịu nỗi khổ như chúng tôi không…?
Với tình trạng nhiều trung tâm đăng kiểm ngừng hoạt động, nhân sự giảm sút đã làm giảm công suất và năng lực kiểm định như hiện tại, thì chuyện ùn ứ, ách tắc đăng kiểm sẽ còn kéo dài, chưa thấy lối thoát.
Lối thoát nào cho tình trạng tắc nghẽn
Bộ Giao thông Vận tải đang dự thảo Nghị định sửa đổi về đăng kiểm, trong đó có một số cách tiếp cận mới, mở hơn như phân quyền quản lý về địa phương; thay đổi các quy định về tiêu chí kiểm định và cho phép các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng của các hãng ô tô được tham gia kiểm định xe; sửa đổi quy định thu hồi Giấy chứng nhận đăng kiểm viên, để có thể huy động các đăng kiểm viên đang tại ngoại phục vụ điều tra quay lại làm việc…
Tuy nhiên, dự thảo nghị định vẫn có những điều kiện gây khó, chẳng hạn như yêu cầu đại lý hãng xe phải có xưởng kiểm định riêng, tách biệt với khu vực bảo dưỡng. Đây là điều chẳng đại lý nào muốn đầu tư. Hơn nữa, đây mới là dự thảo nên chưa thể giúp giảm ùn tắc đang trong giai đoạn cao điểm hiện nay.
Các hiệp hội vận tải vừa qua đã đồng loạt "kêu cứu", với những đề xuất kiến nghị như: ưu tiên đăng kiểm cho những xe sắp hết hạn, giãn chu kỳ đăng kiểm hiện tại với xe không kinh doanh (xe cá nhân, xe gia đình) … nhưng không nhận được sự quan tâm tích cực từ các cơ quan quản lý.
Với tình hình hiện nay, chỉ có cách duy nhất là thực hiện giãn kiểm định đối với xe không kinh doanh vận tải đang lưu hành ngay từ chu kỳ kiểm định hiện tại. Nếu xe không kinh doanh không bị áp lực phải dồn đi kiểm định, thì cơ hội sẽ dành cho các loại phương tiện khác và như thế sẽ giảm bớt ùn tắc.
Theo thống kê trên thế giới, nguyên nhân gây tai nạn ô tô chủ yếu là do người lái mất tập trung là 94%, còn lại 6% là lỗi kỹ thuật xe, lỗi cơ sở hạ tầng và lỗi do các thành phần khác. Từ cách tiếp cận trên, việc giãn thêm chu kỳ đăng kiểm, cho xe không kinh doanh, để giải quyết căng thẳng trong giai đoạn cấp bách hiện nay là hoàn toàn hợp lý. Với xe không kinh doanh thường có chỉ số an toàn cao hơn, mức tác động nhỏ thì nên gia hạn.
Cơ quan quản lý cần đánh giá xem năng lực kiểm định của hệ thống hiện nay thế nào, so với trước đây giảm bao nhiêu, thời gian hẹn lịch đăng kiểm là bao lâu… từ đó tính ra thời gian cần gia hạn thêm là bao nhiêu cho phù hợp thực tế.
Ngoài ra Thông tư 02/2023/TT-BGTVT cho dù vừa mới ban hành cũng cần sửa đổi ngay, bởi những thay đổi vẫn mang tính nửa vời.
Ví dụ, quy định xe con sản xuất từ sau 7 năm đến 20 năm có chu kỳ kiểm định là 1 năm/lần bị nhiều ý kiến không đồng tình, cho rằng vẫn quá dày đặc và thiếu cập nhật thực tế về công nghệ sản xuất ô tô hiện đại.
Tại EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc ô tô con mới sản xuất được miễn đăng kiểm 3 năm đầu và về sau cứ định kỳ 2 năm mới kiểm định một lần, không quan tâm tới năm sản xuất.
Khoảng 70% xe con ở Việt Nam là của các hãng Nhật Bản, Hàn Quốc. Đa số phần còn lại là xe từ Mỹ và EU. Vậy tại sao không theo luôn tiêu chuẩn đăng kiểm của các quốc gia này? Nếu xe con được kéo dài chu kỳ đăng kiểm chắc chắn sẽ làm giảm tình trạng tắc nghẽn hiện nay.
Trần Thủy