Những ngày gần đây, nhiều cư dân mạng khắp cả nước rần rần chia sẻ video, hình ảnh về một món ăn dân dã có xuất xứ từ vùng đất Tây Bắc. Đó chính là món bắp cải cuốn nhót xanh chấm chẳm chéo.
Được biết, nhót xanh cuốn bắp cải chấm kèm chẳm chéo là món ăn dân dã của bà con dân tộc Thái sống ở Điện Biên, Sơn La,... Vào độ tháng 2, tháng 3 dương lịch, đúng mùa nhót xanh nở rộ, người địa phương lại thu hoạch quả này, đem chế biến thành các món ăn thanh mát, giải nhiệt. Bởi lẽ đó mà món ăn từ nhót xanh này cũng thường xuất hiện vào dịp sau Tết và dần trở thành đặc sản “hút” khách gần xa.
Chẳng phải “sơn hào hải vị”, món nhót xanh cuốn bắp cải chấm chẳm chéo đầy dân dã của vùng đất Tây Bắc vẫn hút khách thập phương (Ảnh: @allabt.candice)
Chị Phương Mai (ở TP Điện Biên, tỉnh Điện Biên) - một tiểu thương bán nhót xanh nhiều năm nay chia sẻ, không chỉ người dân trong tỉnh mà du khách thập phương cũng rất ưa chuộng loại quả này. Nhót xanh thường được sử dụng, ăn kèm với bắp cải, lá tỏi, rau thơm và nước chấm chẳm chéo đặc trưng.
“Ban đầu, tôi chỉ giao bán trong tỉnh và thành phố nhưng mấy năm nay, khách ở Hà Nội, TPHCM mua rất đông nên tôi vận chuyển nhót xanh khắp nơi. Lúc đầu mùa, số lượng còn ít nên nhót xanh bị đội giá cao, khoảng 100.000 đồng/kg. Vào vụ, giá bán rẻ hơn, chỉ còn 40.000 - 50.000 đồng/kg”, chị Mai nói.
Những người có kinh nghiệm tiết lộ, nhót xanh nên chọn quả bánh tẻ, kích cỡ và độ non vừa đủ thì ăn không bị quá chua hoặc chát (Ảnh: Nguyễn Khánh Hòa)
Tiểu thương này cũng cho biết, nhót xanh được bán riêng hoặc theo các set có sẵn, đầy đủ cả rau, gia vị và nước chấm ăn kèm. Tùy từng nơi mà nhót xanh được vận chuyển bằng máy bay hoặc xe khách để đảm bảo chất lượng, giữ được độ tươi ngon tự nhiên.
Theo chị Mai, muốn nhót xanh ngon, ăn không quá chua hoặc chát thì phải chọn quả bánh tẻ, nhỏ bằng đầu ngón tay cái, đủ độ non. Trước khi ăn, cần chà sạch lớp phấn trắng bên ngoài quả rồi rửa sạch, bổ làm đôi.
Món ăn làm từ những nguyên liệu dân dã nhưng vẫn được thực khách gần xa yêu thích, tìm mua nhiệt tình (Ảnh: Thu Uyên)
Với món nhót xanh cuốn bắp cải, phần chẳm chéo được xem là quan trọng nhất. Loại nước chấm này được chế biến từ gừng, tỏi, ớt, rau thơm, mắc khén và hạt dổi. Đem giã nhỏ tất cả các nguyên liệu, trộn với muối hoặc nước mắm, tạo thành hỗn hợp đặc sánh giúp món ăn dậy hương vị và ngon hơn.
Khi ăn, người ta đặt miếng nhót, rau thơm, chẳm chéo lên bắp cải, cuộn tròn lại rồi quệt với nước chấm đặc trưng. Tùy từng nơi, phần chẳm chéo được làm từ các nguyên liệu khác nhau sao cho phù hợp khẩu vị và sở thích từng người.
Những vị khách lần đầu thưởng thức nhót xanh cuốn bắp cải chấm chẳm chéo thường có cảm giác “nhăn nhó”, khó ăn vì mùi vị lạ miệng. Nhưng ai ăn quen rồi sẽ thấy ngon, hấp dẫn. Món ăn này được nhận xét là có đủ vị chua cay mặn ngọt, hài hòa giữa vị thanh mát của rau thơm, bắp cải với vị chát nhẹ của nhót xanh, kết hợp chút hăng nồng của gừng, tỏi.
Vị thanh mát từ các loại rau xanh trong món ăn giúp thực khách “giải nhiệt, giải ngấy” hiệu quả (Ảnh: Thu Uyên)
Món nhót xanh cuốn bắp cải kèm nước chấm được đóng gói cẩn thận để vận chuyển tới tay thực khách mà vẫn đảm bảo chất lượng và hương vị tươi ngon (Ảnh: Tony Food)
Chị Hà Minh (sống ở quận 1, TPHCM) chia sẻ, cách đây 2 năm, lần đầu được bạn bè mời ăn thử đã mê mẩn hương vị lạ lùng của món ăn vùng Tây Bắc này. Đợt sau Tết vừa qua, biết mùa nhót xanh sắp đến, chị đã nhờ người quen đặt trước cho 2 kg để gửi vào Nam, tự chế biến món ăn này chiêu đãi cả nhà “giải ngấy”.
“Trước đây, tôi thường ăn nhót chín nhưng khi biết đến món nhót xanh cuốn bắp cải chấm chẳm chéo, tôi và gia đình đều thích mê. Ở miền Nam, loại quả này không phổ biến nên khó mua, tôi phải nhờ người quen ở Sơn La gửi vào cho. Tiền vận chuyển còn tốn gấp vài lần tiền mua nhót nhưng vì thích ăn nên tôi vẫn đầu tư.
Chưa kể việc sơ chế nhót xanh cũng khá kỳ công, phải tốn nhiều thời gian lau sạch lớp phấn trắng nhưng hương vị của món ăn đã bù đắp xứng đáng. Thỉnh thoảng, tôi cũng làm nhót xanh dầm muối ớt hoặc biến tấu thành một vài món khác nhau để thưởng thức”, chị Minh bày tỏ.
Phan Đậu