Đổ bộ
Với nhu cầu logistics ngày càng tăng do làn sóng dịch chuyển các cơ sở sản xuất trên thế giới sang Việt Nam, nhiều dự án bắt đầu triển khai hoạt động xây dựng ở cả miền Bắc và miền Nam. Đầu 2022, GLP - nhà quản lý đầu tư và xây dựng kinh doanh hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hậu cần, cơ sở hạ tầng dữ liệu và năng lượng tái tạo - thành lập GLP Vietnam Development Partners I với tổng mức đầu tư 1,1 tỷ USD, vào 6 dự án trung tâm logistics có tổng diện tích lên đến 900.000 m2.
VSIP khởi công khu công nghệ tại tỉnh Bình Dương, với diện tích hơn 1.000 ha. JD Future Explore V Limited khởi công xây dựng Khu Logistics JD Property (Việt Nam) Hải Phòng 1 tại Khu phi thuế quan và Khu công nghiệp Nam Đình Vũ (Khu 1), diện tích đất 97.000m2. BWID đã khởi công dự án 16 - kho xây sẵn BW Phú Nghĩa tại KCN Phú Nghĩa, Hà Nội. Đây cũng là dự án đầu tiên của BW tại Hà Nội.
Các thương vụ mua bán sáp nhập cũng khá nóng trong lĩnh vực này. CTCP Phát triển Công nghiệp BW, nhà phát triển bất động sản công nghiệp do Warburg Pincus và Becamex IDC đồng sáng lập, đã công bố việc mua lại khoảng 74.000m2 đất tại Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong ở tỉnh Quảng Ninh, do DEEP C phát triển.
CapitaLand Development cũng thông báo việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với UBND tỉnh Bắc Giang. Hai bên sẽ đẩy mạnh phát triển dự án khu đô thị - công nghiệp - logistics có tổng diện tích hơn 400 ha trên toàn tỉnh với giá trị cam kết đầu tư 1 tỷ USD (tương đương 23.000 tỷ đồng).
Trong số những giao dịch, đáng chú ý gần đây còn có việc Công ty TNHH Boustead Projects mua lại 49% cổ phần trong Công ty cổ phần Công Nghiệp Logistics KTG & Boustead tại khu công nghiệp Yên Phong thuộc tỉnh Bắc Ninh với giá 6,9 triệu USD.
Ngoài các loại hình bất động sản truyền thống, trong tháng 6, một thương vụ đầu tư vào bất động sản trung tâm dữ liệu cũng được công bố bởi tổ chức đầu tư tư nhân Gaw Capital Partners có trụ sở tại Hong Kong, với dự án Trung tâm dữ liệu cấp độ 3 với diện tích 6.056 m2 tại Khu công nghệ cao TP.HCM.
Các tên tuổi lớn trong lĩnh vực điên tử như Samsung, LG Display, Xiaomi, Goertek cũng công bố kế hoạch mở rộng, tăng vốn, hoặc thuê mới nhà xưởng để bắt đầu sản xuất tại Việt Nam.
CBRE ghi nhận số liệu của 5 tỉnh/thành phố trọng điểm phía Bắc bao gồm Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Yên, và Hải Dương với gần 15.000 ha đất công nghiệp. Trong khi đó, các thành phố chính ở khu vực phía Nam là TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An với tổng quy mô đất hơn 30.000 ha.
Tăng giá
Nhờ tỷ lệ lấp đầy khả quan, giá thuê đất trung bình ghi nhận mức tăng trưởng tại các thành phố công nghiệp chính, 5-12% tại phía Bắc, và 8-13% tại phía Nam so với cùng kỳ năm trước. Một số khu công nghiệp tiêu biểu trong từng khu vực, mức giá chào thuê thậm chí có thể tăng tới 20% tại một vài dự án ở khu vực phía Bắc và khoảng 26% ở khu vực phía Nam. Giá đất công nghiệp dự kiến sẽ duy trì ở mức cao, trong khi giá thuê nhà kho và xưởng dự kiến biến động nhẹ ở mức 0-3%/năm.
Theo Colliers, giá thuê tại các trung tâm khu công nghiệp như Bogor -Sukabumi, Tangerang và Bekasi ở Indonesia, trung bình dao động trong khoảng 157 USD-295 USD/m2/chu kỳ thuê, cao hơn từ 42-51% so với các trung tâm khu công nghiệp tại Việt Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh và Hải Phòng.
Chuyên gia SSI ước tính, giá đất khu công nghiệp tại Việt Nam tăng từ 8-9% tại miền Nam và 6-7% tại miền Bắc vào năm 2022.
Trong vòng ba năm tới, nguồn cung đất công nghiệp sẽ tăng thêm hơn 14.000 ha cho cả hai thị trường. Trong đó, các tỉnh công nghiệp cấp 2 sẽ lần lượt chiếm khoảng 21% đến 42% nguồn cung miền Nam và miền Bắc. Mức giá thuê đất công nghiệp dự kiến sẽ có mức tăng khả quan là khoảng 5-10%/năm trong ba năm tới tại thị trường phía Bắc và 8-13%/năm tại khu vực phía Nam.
CBRE dự báo sẽ tiếp tục có nguồn cung mạnh mẽ cho kho xưởng trong ba năm tới. Nguồn cung lũy kế của khu vực phía Bắc sẽ vượt 2,6 triệu m2 tổng diện tích sàn, trong đó, 87% nguồn cung mới trong giai đoạn 2022-2024 đến từ Hải Phòng và Bắc Ninh. Trong khi đó, tại miền Nam sẽ có khoảng 5 triệu m2 tổng diện tích sàn đến năm 2024 với 60% nguồn cung mới đến từ Bình Dương.
CBRE kỳ vọng diện tích logistics dành riêng cho thương mại điện tử sẽ tiếp tục tăng trưởng. Với mỗi 1 tỷ USD doanh thu từ thương mại điện tử, thị trường sẽ cần thêm 92.903 m2 diện tích logistics. Trong 5 năm tới, dự kiến cần khoảng 160-200 triệu m2 diện tích logistics dành riêng cho thương mại điện tử trên toàn thế giới.
Việt Nam đang trở thành nền kinh tế kỹ thuật số lớn thứ hai ở Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia, và thị trường Việt Nam dự kiến sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp quy mô lớn hơn. Dựa theo dự báo tăng trưởng về quy mô thương mại điện tử tại Việt Nam, ước tính sẽ cần thêm hơn 2 triệu m2 diện tích logistics dành riêng cho thương mại điện tử tới năm 2025 cho cả nước.
Hàng loạt dự án tỷ USD tại Việt Nam cho thấy sức mạnh không ngừng của nền kinh tế và lĩnh vực bất động sản công nghiệp trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.