Tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế xã hội chiều nay (8/6), câu chuyện giá thịt lợn đắt đỏ mãi không giảm được nhiều đại biểu đặt ra.

Phải xem xét lỗi từ đâu

Đại biểu tỉnh Phú Thọ Cao Đình Thưởng cho rằng nền kinh tế hiện vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nghĩa là chịu sự chi phối bởi cả bàn tay hữu hình và vô hình. Vấn đề phải giải quyết là giá thịt cứ tăng vù vù nhưng giá gia cầm, giá các loại thịt khác không tăng, thậm chí còn giảm.

{keywords}
Đại biểu Cao Đình Thưởng

“Vậy từ chuyện người dân nghe đài, đọc báo, xem truyền hình rồi hi vọng giá thịt sớm giảm nhưng ai dè giá thực tế ngày càng tăng. Việc người dân thất vọng nói "muốn mua thịt giá rẻ lên tivi mà mua" cần phải được xem xét lỗi từ đâu, từ cơ quan điều hành hay từ người tiêu dùng?”, ĐB Thưởng đề nghị Bộ NN&PTNT trả lời cho câu hỏi này.

Nhắc lại chuyện “lên ti vi mua thịt lợn giá rẻ”, Phó Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong cho rằng, cần xử lý chuyện giá thịt lợn mỗi lúc một tăng bắt chấp mọi biện pháp điều hành, tuyên bố để kéo giá thịt về mức 70.000 đồng/kg.

“Giống như chuyện dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, chuyện giá thịt, chuyện cao ốc 8B Lê Trực đang thách thức sự kiên nhẫn, gây mất niềm tin với người dân”, ông Phong nói và nhấn mạnh giá thịt thực tế vẫn chưa thể kéo giảm.

Theo ông Phong, một số lãnh đạo doanh nghiệp thực phẩm là nguồn phân phối thịt lớn cũng phải chịu sự điều hành của nhà nước, phải bán giá thấp.

“Nhưng như vậy là họ chịu thiệt, chịu lỗ nhiều nhưng lúc lợn chết có ai hỗ trợ người ta đâu. Như vậy có phải là thị trường không”, đại biểu Phong đặt câu hỏi.

Nghe Bộ trưởng nói, cuối cùng vẫn không làm chủ được thị trường

Ở đoàn TP.HCM, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng bày tỏ băn khoăn, dịch lợn châu Phi bùng phát và đã có giải pháp khống chế, nhưng “qua bao nhiêu tháng rồi, bây giờ xem ti vi, nghe Thủ tướng chỉ đạo, nghe đồng chí Bộ trưởng nói, rồi cuối cùng vẫn không làm chủ được thị trường, vẫn là không đủ con giống”.

Bà Tâm cũng nhắc lại nhiều hứa hẹn “đây là cơ hội để cơ cấu lại mô hình sản xuất, làm sao giảm sản xuất nhỏ lẻ, quy mô công nghiệp tăng lên để chống chọi dịch bệnh” và tiếp tục băn khoăn: “Nhưng bao nhiêu tháng qua rồi, tình hình này chúng ta đã giải quyết được như thế nào?”.

{keywords}
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm

Nữ đại biểu đoàn TP.HCM cho rằng nói chung chung không được mà cần tính toán cụ thể. Ví dụ, nói sau dịch thì tái đàn thế nào, con giống ở đâu, cơ quan, tổ chức, đơn vị nào, ở đâu lo việc đó.

“Bây giờ vẫn loay hoay nói không đủ nguồn cung, con giống, rồi vẫn là vấn đề không tiếp cận được tín dụng, vẫn là sản xuất nhỏ chứ chưa có quy mô, mô hình nào tác động bằng cơ chế, chính sách để nó có thể đáp ứng được nhu cầu thịt heo trên thị trường”, bà Tâm nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngành đã đảm bảo 2 cân đối lớn về lương thực, thực phẩm trong tình hình dịch bệnh Covid-19.
 
Về lương thực, mục tiêu 45 triệu tấn lúa năm 2020 phải đảm bảo, ngành phấn đấu xuất khẩu 7 triệu tấn gạo (tương đương 12-13 triệu tấn lúa), dành 13 triệu tấn gạo tiêu dùng trong nước. Đó là kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh khó khăn do 13.000 ha lúa bị hạn mặn.
 
Về thực phẩm, theo ông Tiến, yêu cầu cung ứng 18 triệu tấn cũng khả quan. Vấn đề đáng chú ý là giá thịt lợn vẫn căng thẳng. Đó là do hệ quả của dịch tả lợn châu Phi, dù Việt Nam đã khống chế được dịch bệnh sớm hơn nhiều nước (11 tháng so với mốc 17 tháng của Trung Quốc).

Tuy nhiên, Thứ trưởng NN&PTNT khẳng định, đến tháng 1 năm nay cả nước mới có thể tổ chức tái đàn lợn, suôn sẻ thì trong tháng 6 này mới có thịt lợn đưa ra thị trường.
 
“Thủ tướng lệnh nhập 100.000 tấn thịt lợn, thực tế 70.000 tấn đã về tới việt Nam nhưng khó khăn vì giá thịt nhập từ Trung Quốc cũng đã rất cao. Lãnh đạo Chính phủ đang xem xét cho nhập thêm lợn sống từ Thái Lan”, ông Tiến nói.
 
Thứ trưởng cho hay, đàn lợn trong nước hiện có gần 26 triệu con, đến tháng 7, 8 sẽ đảm bảo cung ứng đủ thịt lợn cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và hy vọng khi đó giá thịt sẽ hạ nhiệt.

Thu Hằng 

Thủ tướng: Gần 100 cán bộ cao cấp bị xử lý là 'cái giá phải trả không ít'

Thủ tướng: Gần 100 cán bộ cao cấp bị xử lý là 'cái giá phải trả không ít'

Thủ tướng cho rằng gần 100 cán bộ cao cấp bị xử lý thời gian qua là "cái giá phải trả không ít" để cho thấy Đảng nghiêm túc, Chính phủ nhìn thẳng sự thật...