LTS: Những bất cập về thể chế, luật pháp đang được gấp rút sửa đổi, khai thông thời gian qua bởi nỗ lực của nhiều ngành. Tuy vậy, những bất cập đó vẫn còn không ít, làm cho tình trạng “trên nóng dưới lạnh” thêm gay gắt và gây khó khăn cho phát triển kinh tế của đất nước. Tuần Việt Nam xin góp ý về việc tiếp tục hoàn thiện thể chế mà cuộc sống đang đòi hỏi.
Ông Vân nói:
Có mấy thành tựu nổi bật trong chỉ đạo của Đảng và điều hành của Nhà nước từ đầu nhiệm kỳ đến nay:
Thứ nhất, có chuyển hướng mạnh về cơ chế vận hành của hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản trong nỗ lực thay đổi tư duy, nhận thức trong vận hành hệ thống chính trị nói chung và điều hành bộ máy nhà nước nói riêng. Trong đó, đáng kể nhất là việc tập trung sâu hơn vào công tác phòng chống tham nhũng.
Về phía Nhà nước, trên nền tảng lãnh đạo của Đảng, Quốc hội đã ra nhiều nghị quyết trao cho Chính phủ những quyền chưa từng có trong hoạt động lập pháp để Chính phủ toàn quyền ứng phó với đại dịch Covid-19.
Nghị quyết 128, theo tôi, là hành động dũng cảm để thoát khỏi đại dịch, trong đó vai trò của Thủ tướng là rất nổi bật. Nếu lúc đó Chính phủ không dũng cảm ban hành Nghị quyết trên để thích ứng an toàn với đại dịch, hay nói cách khác, là xoay chuyển cách chống dịch trước đó, thì không biết hệ lụy sẽ như thế nào. Tất nhiên, trong quá trình chống dịch có những sai sót và bài học cần rút ra.
Trong khi đó, tác động từ bên ngoài như đứt gãy chuỗi cung ứng, các cuộc xung đột, bất ổn vĩ mô, lạm phát thế giới, chiến tranh cục bộ khu vực… đến nước ta là rất lớn. Trong các năm dịch bệnh 2020-2021, người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế đã sa sút nhiều, các hoạt động sản xuất kinh doanh gần như bị ngừng lại, đông cứng.
Vì thế, luồng ý kiến cho rằng, nền kinh tế Việt Nam bứt phá một cách ngoạn mục là quá lạc quan. Tuy vậy, những thành tựu đã đạt được cho thấy người dân và doanh nghiệp có sức chống chịu dẻo dai hiếm có.
Vậy còn những hạn chế nào, nhất là trong công tác lập pháp, cần được tiếp tục khắc phục?
Thứ nhất, nền tảng thể chế còn chưa bền vững. Nền tảng thể chế tuy được bồi đắp, bổ sung nhưng chưa trở thành cơ sở vững chắc để hình thành nên hệ thống pháp luật ổn định, tạo niềm tin cho thị trường và xung lực mới cho phát triển. Bên cạnh đó, thủ tục hành chính rối rắm, phức tạp, chồng chéo vẫn tiếp tục gây phiền hà cho người dân, cản trở doanh nghiệp.
Thứ hai, cuộc chiến chống tham nhũng ngày càng quyết liệt, củng cố niềm tin của nhân dân nhưng lại tác động đến tâm lí của một bộ phận cán bộ khiến họ không dám làm, né tránh trách nhiệm.
Càng chống tham nhũng mạnh bao nhiêu, sự cố thủ của một bộ phận cán bộ đó mạnh bấy nhiêu, làm tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” ngày càng bộc lộ rõ. Hơn hết, thực tế đó đã tác động đến sự phát triển.
Những mâu thuẫn, xung đột, chồng chéo trong nhiều văn bản pháp lí vốn dĩ có từ trước, cộng với tâm lí không dám làm, né tránh trách nhiệm của một bộ phận cán bộ làm các quan hệ kinh tế đình trệ, làm đóng băng nhiều hoạt động của người dân và doanh nghiệp.
Qua nhiều kỳ họp bất thường, Quốc hội đã thể hiện nhiều nỗ lực trong việc làm luật?
Như tôi đã đề cập, Quốc hội có phương thức lập pháp thích ứng với sự biến đổi của kinh tế - xã hội. Việc ban hành các Nghị quyết 30, 35 của Quốc hội trao cho Chính phủ những quyền năng động hơn để đối phó với đại dịch là những cái chưa có tiền lệ trong hoạt động lập pháp. Đấy chính là những thành tựu nổi bật nhất từ trước đến nay.
Bên cạnh đó, Quốc hội có đề án trình Bộ Chính trị về định hướng xây dựng pháp luật của cả nhiệm kỳ, hoạt động lập pháp có tư duy chiến lược hơn. Trước đây, các chương trình xây dựng pháp luật chỉ làm từng năm nên khá bị động.
Việc sửa đổi luật lệ, đặc biệt là Luật Đất đai vốn dĩ là đạo luật khó, được đẩy mạnh hơn. Chưa bao giờ có dự án luật nào được thảo luận liên tục tại 3 kì họp Quốc hội, và đến kì họp bất thường thứ 4 mới thông qua được như Luật Đất đai. Đây là quyết tâm cao từ lãnh đạo chính trị đến nỗ lực của bộ máy nhà nước và các đại biểu Quốc hội.
Tuy nhiên, quá trình làm luật của chúng ta hiện nay rõ ràng có bất cập cho nên phải có những kì họp bất thường liên tiếp từ đầu nhiệm kì. Vấn đề đặt ra cần cấp bách sửa đổi lại quy trình làm luật.
Theo ông, quy trình này nên thay đổi như thế nào để hệ thống luật pháp vừa tránh được lợi ích nhóm, vừa tạo thuận lợi cho xã hội vận hành?
Một là, nâng cao chất lượng thể chế. Thể chế ở đây không đồng nghĩa với pháp luật. Thể chế là quan điểm, tư tưởng chủ đạo nhất hình thành trong quá trình lãnh đạo quản lí đất nước, từ các quyết sách của Đảng cho đến những chủ trương lớn của nhà nước thì nó phải là một thể nhất quán, ổn định.
Quá trình thể chế hoá chính sách, biến thể chế thành công cụ pháp luật. Tức là quy trình làm luật, quy trình ban hành chính sách phải đổi mới. Quốc hội phải đổi mới cách thức làm luật. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục duy trì cách làm luật như hiện nay thì luật luôn chậm trễ, không ứng phó được với thực tiễn.
Hơn nữa, chất lượng các đạo luật chưa cao, đặc biệt là các quy phạm chính trị còn tồn tại khá phổ biến trong các đạo luật. Đạo luật là quy tắc xử sự chung nhất để áp dụng cho toàn xã hội. Quy tắc xử sự đó cần chứa đựng các quy định và chế tài cụ thể để điều chỉnh từng hành vi nhưng chưa được thiết kế tốt, nên chưa hướng dẫn được hành vi của con người. Hệ quả dẫn đến phải ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện. Trong khi đó, nghị định, thông tư cũng không cụ thể. Rốt cuộc là người áp dụng pháp luật có thể tùy tiện giải thích luật nên làm khổ người dân, làm khổ doanh nghiệp.
Tôi cho là cần khắc phục tình trạng luật khung, luật ống, hạn chế bớt các quy phạm chính trị trong các đạo luật bằng cách đổi mới thành phần Ban soạn thảo. Ban soạn thảo là người của chính cơ quan đề xuất dự thảo luật, như vậy không khách quan.
Quá trình xây dựng chương trình luật, pháp lệnh có thể còn cài cắm lợi ích của ngành. Phải thay đổi cơ cấu của thành phần Ban soạn thảo theo hướng có thêm nhiều nhà khoa học, nhiều nhà chuyên môn và đặc biệt đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật, hơn ai hết họ phải được tham gia ngay từ đầu.
Vì sao có nhiều địa phương mong muốn, đòi hỏi quy chế đặc thù? Mặc dù hệ thống luật pháp luôn được sửa đổi, nhưng dường như chưa theo kịp với thực tiễn và ở góc độ nào nó, đang trói các địa phương hay sao, thưa ông?
Hiện tượng gần đây là các ngành, các địa phương luôn luôn mong muốn sửa đổi lại cơ chế để làm sao có cơ chế đặc thù cho ngành mình. Tại Quốc hội tôi đã từng nói do “áo” thể chế của chúng ta quá chật hẹp nên đến lúc phải thay thế nó. Đó là nhu cầu thực tiễn đặt ra.
Ai cũng thấy mình phải có cơ chế đặc biệt. Vì thế, phải nhìn nhận một cách rộng hơn để thấy cần sửa sang lại những nền tảng chính sách để phân loại ra các nhóm địa phương phù hợp.
Ví dụ, trong gia đình có 5 người con không thể có chính sách đối xử chung như nhau được. Người anh cả có thế mạnh về nghiên cứu khoa học thì đầu tư cho nghiên cứu khoa học, người con thứ hai có năng lực về thương mại thì đầu tư cho thương mại…
Tương tự 63 tỉnh thành là 63 thực thể khác nhau nhưng ta lại đặt ra quy định chung cho 63 tỉnh thành mạnh yếu khác nhau như thế là chưa phân hoá được chính sách, từ các chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho đến cơ chế quản lí của bộ ngành, đãi ngộ cán bộ.
Ý tôi là không nên tuyệt đối hoá bằng cách ban hành cho mỗi tỉnh một chính sách riêng mà chúng ta phải phân hoá phân loại các nhóm, địa phương có cùng chung tính chất, triển vọng.
Lúc bàn về nghị quyết cơ chế đặc thù cho thành phố Hồ Chí Minh năm 2019, tôi đã kiến nghị nhưng tổng kết thực tiễn của chúng ta vẫn chậm. Thực tiễn thúc ép liên tục nhưng khả năng ứng biến về chính sách của ta còn chậm.
Vì vậy, xác định nền móng về thể chế cho từng lĩnh vực, kích hoạt cho mạnh hơn trong đó đặc biệt cần quan tâm đến thúc đẩy thể chế kinh tế thị trường. Đây là một trong ba đột phá chiến lược mà các kỳ Đại hội Đảng đã đề cập nhưng đến nay vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục xử lí.
Cần tập trung nguồn lực trí tuệ của Đảng, nhà nước, đặc biệt là các chuyên gia để tổng kết cho bằng được những yếu tố then chốt để xây dựng nền tảng thể chế kinh tế thị trường vững chắc.
Việc hoàn thiện thể chế là quan trọng nhưng việc thực thi cũng quan trọng không kém, thưa ông?
Thể chế tổ chức nhà nước rất quan trọng và cần được làm bài bản. Các nghị quyết của các kỳ đại hội Đảng đã đề cập nhiều, cần tiếp tục cải cách bộ máy, xác định vai trò các tuyến quan hệ để tránh trùng lặp, mâu thuẫn, đùn đẩy trách nhiệm.
Sau các Nghị quyết của Đảng, của Bộ Chính trị, đã tổng kết, đã chỉ ra những bài học nhưng làm chưa bài bản. Tôi cho là, làm sao bộ máy nhà nước tới đây phải định vị được nhiều nguyên tắc, nguyên lí vận hành tinh gọn, hiệu quả, thích ứng với chu kì phát triển kinh tế xã hội nhưng mặt khác phải thích nghi với cuộc cách mạng thứ 4, đặc biệt những tiến bộ công nghệ ứng dụng vào quản lí. Thiết kế bộ máy nhà nước làm sao hoạt động thông suốt, phân vai các cơ quan rường cột cho mạch lạc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có yêu cầu, việc của ai, người đó làm. Giữa các cơ quan cần phân vai cho đúng, không chồng chéo, tránh tình trạng đùn đẩy, xung đột. Làm sao bộ máy nhà nước phân tầng, phân cấp mạch lạc. Phân cấp, phân quyền không có nghĩa bê nguyên khối nhiệm vụ đó chuyển giao từ cấp nọ sang cấp kia.
Điều quan trọng, cần tính toán phân cấp việc gì, như thế nào trong các thủ tục hành chính giữa cấp trung ương, cấp địa phương để địa phương hấp thụ được khả năng tiếp nhận quyền lực. Nếu phân cấp, phân quyền theo cách cơ học, không thể gọi là cải cách được.
Tư Giang thực hiện