Theo Bộ Y tế, qua báo cáo của 55 đơn vị (các Sở Y tế và bệnh viện tuyến trung ương), tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị xảy ra ở 2/3 đơn vị. Đặc biệt là thuốc (thiếu 82% ở địa phương, 57% bệnh viện trung ương), với thuốc kháng sinh điều trị bệnh nhân nặng, thuốc hướng thần, thuốc tim mạch, tăng huyết áp, sốt xuất huyết, nhãn khoa, y dược cổ truyền…
74% đơn vị báo cáo thiếu sinh phẩm, vật tư, hóa chất, chủ yếu liên quan đến xét nghiệm; 40% đơn vị thiếu trang thiết bị…
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, những vấn đề của ngành y tế đã tồn tại nhiều năm nhưng chỉ đồng loạt bộc lộ sau khi Covid-19 xuất hiện. “Các bệnh viện bị giáng một đòn rất nặng, từ nhân sự, thuốc thang, vật tư...!”.
Trong đại dịch Covid-19, công tác đấu thầu thuốc vẫn diễn ra theo kế hoạch và có các công ty đã trúng thầu. Nhưng 2 năm Covid-19, bệnh nhân sụt giảm mạnh nên không dùng thuốc, bệnh viện đành hủy không mua.
Các công ty nhập thuốc về trước đó buộc phải tiêu hủy do thuốc để lâu quá hạn, công ty “ngán” không muốn tham gia đấu thầu nữa.
Đến lịch, các bệnh viện tiếp tục phải đấu thầu theo kế hoạch và phát sinh tình trạng thuốc bị chậm gia hạn số đăng ký. Thậm chí, có rất nhiều loại thuốc thông thường, không phải đặc trị, cũng bị “kẹt” giấy, khiến các công ty dược đau đầu.
Bà Phong Lan lấy ví dụ, một bệnh viện lớn trực thuộc Bộ Y tế tại TP.HCM vừa có kết quả đấu thầu thì hàng loạt thuốc trúng đều quá hạn số đăng ký mà chưa được gia hạn, khi gia hạn lại đã muộn.
“Theo luật phải hủy kết quả, nếu không hủy thì Bảo hiểm xã hội sau này cũng không thể thanh toán. Các bệnh viện ngậm đắng nuốt cay!”.
Rất nhiều lần, Đại biểu Quốc hội Phong Lan đồng thời là Chủ tịch Hội dược học TP.HCM đặt vấn đề về cơ chế bất hợp lý trong đấu thầu hiện nay: thuốc giá rẻ nhất có thể đảm bảo chất lượng tốt nhất?
“Điều chúng ta nói tới nói lui bao năm nay về điểm nghẽn của cơ chế đấu thầu đang là thuốc trúng thầu phải có giá rẻ nhất.
Giá trúng thấp nhất sẽ được dùng làm giá kế hoạch sang năm, thuốc trúng thầu năm nay lại phải thấp hơn giá kế hoạch. Như vậy mỗi năm phải rẻ hơn năm trước.
Đây là một cơ chế bất cập. Mục tiêu cao nhất của đấu thầu là để người bệnh có thuốc, trang thiết bị đảm bảo chất lượng với giá hợp lý nhất”!
Bên cạnh đó, còn có thể xảy ra tình huống, ở địa phương này thuốc A trúng thầu là giá thấp nhất. Vài tháng sau, thuốc này trúng thầu ở một bệnh viện địa phương khác với giá còn thấp hơn. “Hệ lụy là BHXH sẽ thanh toán thuốc ở mức giá thấp hơn, trong khi nếu trúng giá cao hơn lại không nói gì?”
Bộ Y tế cũng xác nhận, hiện nay, nhiều nhà cung cấp khá e ngại khi tham gia gói thầu, do khâu thủ tục và quy định thuốc trúng thầu có giá thuốc thấp nhất.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, sau hàng loạt sự cố liên quan đến lãnh đạo ngành y tế và CDC các tỉnh thành, tâm lý sợ sai, không biết có làm sai luật hay không xuất hiện.
Cùng với đó, là sự chậm trễ trong đấu thầu tập trung Quốc gia, đàm phán giá thuốc chưa được quyết liệt. Kết cục, thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế xảy ra đồng loạt trên cả nước, người dân lãnh đủ.
“Tôi thực sự rất buồn trước tình hình ngành y, nếu 1-2 người sai thì có thể do bản thân họ nhưng hàng loạt người sai thì chúng ta phải giải quyết từ gốc, xem lại cơ chế chính sách của mình bất ổn ở đâu khiến tất cả cùng sai.
Không chỉ riêng trong ngành y, ngành nào cũng có thể có “quân xanh, quân đỏ”, vẫn có thông thầu, chỉ định thầu… nhưng chúng ta không nên máy móc áp dụng đấu thầu mà phải xem mục tiêu cuối cùng là gì, so sánh giữa các giải pháp, cái nào tiết kiệm nhất, cái nào tốt nhất cho dân thì làm!”,
Bà cũng thẳng thắn phản đối quan điểm cho rằng bệnh viện chậm đấu thầu gây thiếu thuốc vì… thiếu hoa hồng.
“Đừng nghĩ bác sĩ vì hoa hồng bằng mọi giá. Điều đầu tiên của một bác sĩ là kê đơn sao cho bệnh nhân khỏi bệnh vì đó là uy tín nghề nghiệp, góp phần tạo nên bác sĩ giỏi. Không có máy móc hiện đại, không có thuốc tốt thì kết quả điều trị tốt?
Hơn nữa, với giá trúng thầu thấp nhất thì hoa hồng ở đâu ra? Đừng kết tội ai nếu cơ quan điều tra chưa kết luận”, bà nói thêm.