Đầu năm 2019, Facebook ra mắt Confetti, trò chơi đố vui có thưởng trực tuyến chỉ có trên nền tảng Watch. Với giải thưởng 3.000-6.000 USD mỗi đêm, Confetti thu hút lượng lớn người dùng Việt Nam tham gia xem video trên nền tảng của Facebook. Chưa đầy nửa năm, Facebook Watch đã được người dùng Việt biết đến rộng rãi.
Trong báo cáo ngày 12/6, Facebook công bố số người truy cập Watch trên toàn cầu tăng thêm 720 triệu (lên hơn 1,1 tỷ người dùng). Tháng 12/2018, con số này là 400 triệu người.
Từ lâu, Facebook đã là "cái tên vàng" trong làng bê bối. Mạng xã hội này tràn lan tin giả, ngôn ngữ kích động thù địch, bảo mật người dùng kém... Vì vậy, việc Facebook bắt tay vào làm mảng video, nơi YouTube vẫn chưa dọn hết rác có thể khiến mọi chuyện tồi tệ hơn với mạng xã hội này.
Dung túng cho "nhà sáng tạo" lấy video từ nền tảng khác
Tuy phát triển video, mảng kinh doanh nhạy cảm với các vấn đề bản quyền, Facebook vẫn chưa xây dựng quy trình quản lý thật sự hiệu quả.
Dạo một vòng Facebook Watch, người dùng dễ dàng bắt gặp những video vi phạm bản quyền từ phim truyền hình, MV ca nhạc, hài kịch, TV show đến các đoạn kịch ngắn...
Giới kiếm tiền online gọi đây là reup (đăng tải lại) kiểu mới. Nguồn video thường được lấy từ những nền tảng khác như TikTok, YouTube rồi đăng lại trên Facebook với chiến lược "ai đăng trước là của người đó" bất chấp chủ sở hữu video có đồng ý hay không. Facebook chấp thuận chia quảng cáo cho những video này khi đủ lượng truy cập.
Ngoài YouTube và TikTok, nội dung video còn được các trang lấy từ các đài truyền hình Trung Quốc, quốc gia không có Google và Facebook.
Điển hình, những page như "Phim ngôn tình", "Phim ngôn tình Trung Quốc", "Tiktok Trung Quốc", "Kinh dị World" là nơi tập trung những video vi phạm bản quyền từ nhiều nền tảng khác.
"Có thể Facebook đang cố ngó lơ việc này để làm giàu cho kho nội dung video của mình", Thanh Nhân, nhà sáng tạo nội dung trên nhiều nền tảng chia sẻ
Điều kiện để một video có thể kiếm tiền là fanpage đạt 10.000 lượt theo dõi. Đồng thời, video trên fanpage phải đạt 30.000 lượt xem, tối thiểu 1 phút xem cho video dài 3 phút. Các video trên đồng thời phải phù hợp tiêu chuẩn cộng đồng.
Chính sách bật quảng cáo dựa vào các chỉ số tương tác cộng với khả năng kiểm duyệt không mấy hiệu quả còn khiến những người muốn kiếm tiền nhanh bất chấp đăng tải những video không lành mạnh lên Facebook.
“Càng vi phạm chính sách, shock, sex lại càng thu hút nhiều lượt xem, đăng ký”, ông Nhân nhận định.
Nội dung bẩn tràn ngập Facebook Watch
"Thói quen lướt nhanh của người dùng Facebook buộc các fanpage phải bằng mọi cách để gây ấn tượng với người xem. Trong đó, tiêu đề, ảnh bìa và những giây đầu tiên của video càng sốc càng kéo người dùng ở lại. Vì người dùng phải xem xong 1 phút chủ page mới nhận được tiền từ quảng cáo", ông Nhân cho hay.
Nội dung sex và sốc là hai chủ đề được các trang khai thác mạnh để thu hút người xem. "Một số page không ngần ngại cắt gọt những đoạn hở hang, khiêu dâm từ phim người lớn để câu lượt xem. Chỉ cần không lộ bộ phận sinh dục thì Facebook sẽ không xóa video", Nhật Trường, quản trị viên của nhóm cộng đồng làm video Facebook cho biết.
Đáng chú ý, những video có nội dung bẩn lại thu hút hàng triệu lượt xem. Video với tiêu đề "Thấy trai đẹp ngủ mơ lợi dụng và bị thịt" có hơn 17 triệu lượt xem. Trong khi đó, video "Troll tuột quần gái xinh" nhận được gần 7 triệu lượt xem.
Nội dung độc hại nhưng Facebook không giới hạn độ tuổi người xem. Ngoài ra, chức năng tự động phát cũng giúp lôi kéo người xem vào những video vô bổ này.
"Tiền Facebook trả quảng cáo phụ thuộc nhiều yếu tố. Tuy nhiên, theo ước tính, video 17 triệu lượt xem như trên sẽ thu về ít nhất 40 triệu đồng", Minh Quân, người làm quảng cáo Facebook tại TP.HCM cho biết.
Facebook từ lâu đã thất bại trong việc kiểm duyệt nội dung
Tháng 11/2018, tài khoản Facebook J.C. M***** đăng tải đoạn video chứa hình ảnh khêu gợi. Nhân vật chính sau đó khỏa thân một phần, góc máy quay cận vào bộ phận sinh dục để trần. Đoạn clip này vi phạm nghiêm trọng chính sách nội dung của Facebook về ảnh khỏa thân, khiêu dâm.
Sau 18 giờ đăng tải, video trên nhận được 18 triệu lượt xem, 130.000 lượt thích, 175.000 bình luận và 360.000 lượt chia sẻ. Đây là những số liệu cho thấy sự lan truyền chóng mặt của đoạn video khiêu dâm trên.
Thậm chí chủ tài khoản còn khoe chỉ sau 3 giờ đăng tải, đã có hơn 5.000 người theo dõi tài khoản của người này. Sau 18 giờ, tài khoản đăng tải video nhận được hơn 30.000 lượt theo dõi.
Người viết đã báo cáo (report) với Facebook về nội dung này theo cách người dùng có thể làm. Tuy nhiên, sau hơn 3 giờ, nội dung trên vẫn hiển thị và lan truyền.
Trước đó, năm 2016, Facebook Live ra mắt, kéo theo hàng loạt những video livestream cảnh tự tử, đánh đập, thậm chí hành quyết tù nhân lan truyền trên nền tảng này.
Năm 2018, Facebook còn dính vào bê bối Cambridge Analytica lộ hơn 87 triệu thông tin tài khoản người dùng gây tác động đến kết quả bầu cử Mỹ, lan truyền nội dung kích động lại Sri Lanka.
Năm 2019, video livestream cảnh thảm sát tín đồ Hồi giáo tại New Zealand tồn tại nhiều giờ trên Facebook gây ám ảnh người xem.
Đây là những minh chứng dễ thấy nhất cho việc công cụ báo cáo và thuật toán nhận diện hình ảnh của mạng xã hội này chưa thật sự sẵn sàng để phát triển video. Hậu quả của những scandal sau này sẽ lớn đến mức nào khi Facebook thực hiện được tham vọng trở thành "kênh truyền hình toàn cầu"?
Sau tất cả, ông chủ Zuckerberg phủi bỏ trách nhiệm bằng việc cho rằng Facebook đã phát triển quá nhanh, vượt xa khả năng kiểm soát của họ.
“Tôi khởi đầu khi còn quá trẻ và thiếu kinh nghiệm”, Zuckerberg nói trong buổi phỏng vấn với CNN hồi tháng 4.
“Tôi gặp lỗi kỹ thuật và lỗi trong kinh doanh. Tôi thuê sai người. Tôi tin nhầm người. Có thể, số lượng sản phẩm thất bại của tôi nhiều hơn hầu hết mọi người trong cả cuộc đời họ”, có lẽ đây là những gì Mark Zuckerberg sẽ nói trong tương lai.
Công cụ bản quyền bị lạm dụng rộng rãi
Để giải quyết vấn đề bản quyền, Facebook cung cấp công cụ có tên Rights Manager (RM). Với công cụ này, cá nhân, tổ chức có thể báo cáo bản quyền những video vi phạm.
Tuy nhiên, công cụ trên đang bị một số cá nhân lạm dụng để "đánh chiếm" nội dung từ những người sáng tạo chân chính.
"Trong 1-2 tháng qua, hàng nghìn thành viên của một nhóm làm nội dung Facebook đã tố cáo tài khoản Do Tien Q... về việc đi nhận vơ bản quyền các video trên Facebook", ông Hữu Nhật, chủ fanpage sitcom Lala School chia sẻ.
Cụ thể, Facebook cung cấp cho người sở hữu nội dung công cụ quản lý bản quyền Right Manager (RM). Với công cụ này, cá nhân có thể đi báo cáo bản quyền những video vi phạm.
Sau khi báo cáo, video vi phạm sẽ nhận được thông báo. Trong đó, nếu chấp thuận với báo cáo bản quyền, toàn bộ số tiền kiếm được sẽ chuyển cho người giữ RM. Nếu không đồng ý, người sở hữu buộc xóa video hoặc kháng nghị.
Tuy vậy, công cụ kháng nghị hoàn toàn không hoạt động dù nộp đầy đủ bằng chứng gồm cảnh hậu trường, ảnh chụp màn hình dựng phim, video gốc…
“Dù đầu tư tiền bạc, máy móc để quay các sitcom, tôi không thu về được đồng nào từ Facebook. Cứ tới cuối tháng, ngày Facebook trả tiền, họ vào báo bản quyền và gom hết”, ông Nhật nói thêm.
Sau phản ánh của Zing.vn, Facebook xác nhận việc nhận vơ bản quyền có xảy ra. Mạng xã hội này cho biết đã rút quyền sử dụng RM của Do Tien Q. Tuy vậy, theo cộng đồng người làm nội dung Facebook, sau Do Tien Q, nhiều RM khác mọc lên như nấm để "đánh chiếm" bản quyền. Vấn đề cốt lõi ở khâu kiểm duyệt, cấp phép RM vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Theo Zing