Báo cáo Thị trường Bất động sản Việt Nam quý I/2022 do Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) vừa công bố cho thấy, lĩnh vực BĐS của Việt Nam vẫn là thị trường thu hút dòng tiền đáng kể, đứng vị trí số hai về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, đạt gần 600 triệu USD.
Theo báo cáo về thị trường vốn đầu tư quý I/2022 của Cushman & Wakefield, giá trị M&A (mua bán & sáp nhập) lĩnh vực bất động sản quý I/2022 cao nhất trong vòng 5 năm qua. 3 tháng đầu năm 2022, giới doanh nghiệp BĐS đã chi gần 1 tỷ USD để thâu tóm các dự án, gần bằng con số ghi nhận được suốt cả năm 2017, 2018.
Bên cạnh đó, quý I/2022 cũng chứng kiến tình trạng sốt đất cục bộ tại một số địa phương có thông tin quy hoạch hạ tầng như sân bay, KCN, cầu đường… Hiện tượng này đang được các cơ quan chức năng ra tay chấn chỉnh, nhằm đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả.
VARS chỉ ra một số nguyên nhân chủ yếu khiến BĐS trở thành kênh đầu tư hấp dẫn như cơ sở hạ tầng đang ngày được hoàn thiện, nhất là tại các TP lớn như TP.HCM, Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận. Trong cơ cấu giá trị bất động sản, cơ sở hạ tầng đóng vai trò đáng kể, bên cạnh giá trị nội tại của bất động sản đó.
Tiếp đến, đầu tư công được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế nói chung, thị trường BĐS nói riêng. Theo báo cáo, riêng Bộ Giao thông vận tải trong quý I/2022 đã giải ngân gần 7.500 tỷ đồng cho các dự án hạ tầng quan trọng trên cả nước.
Dự kiến, Bộ này sẽ giải ngân khoảng 50.300 tỷ đồng trong năm 2022, tập trung nguồn lực, chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, tăng cường kết nối vùng, liên vùng, khu vực, quốc tế, nhất là các công trình hạ tầng giao thông quan trọng như dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; Cảng hàng không quốc tế Long Thành; sớm đưa vào hoạt động một số tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP.HCM.
Giá nhà tăng bất chấp cung lớn hơn cầu
Về xu hướng thị trường BĐS tại một số địa phương, ở phía Nam, Long An - tỉnh cửa ngõ của TP.HCM được đánh giá là ngôi sao mới trong xu hướng đầu tư BĐS hiện nay. Ngoài ra, với tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, cùng vị trí địa lý thuận lợi, Bình Dương cùng TP.HCM, Đồng Nai là các địa phương triển vọng cho phát triển BĐS nhà ở.
Dẫu vậy, phân khúc đất nền, căn hộ, nhà phố/biệt thự TP.HCM năm 2021 đều chứng kiến mức sụt giảm cả về phía cung và cầu. Khu Đông dẫn dắt nguồn cung căn hộ, nhà phố/biệt thự trong khi các huyện ngoại thành như Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, quận 9 (cũ) dẫn dắt nguồn cung phân khúc đất nền. Tuy nguồn cung cao hơn nhu cầu nhưng mức giá được ghi nhận đều tăng so với năm 2020 tại tất cả các phân khúc. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2022.
Tại Lâm Đồng, nhu cầu về BĐS nghỉ dưỡng, BĐS sinh thái của các hộ gia đình tại các TP lớn tăng đáng kể sau thời gian phong tỏa vì dịch Covid-19. Các doanh nghiệp BĐS lớn như Novaland, Hưng Thịnh, T&T Group, Him Lam, Ecopark, Văn Phú - Invest, Happy House Việt Nhật… đều dành quỹ đất tại đây để triển khai dự án du lịch, nghỉ dưỡng quy mô.
Mặt trái của tình hình tăng trưởng phân khúc BĐS sinh thái là việc khai thác quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên, ảnh hưởng đến tình hình phát triển chung của tỉnh. Thi công và giải phóng mặt bằng gặp nhiều vướng mắc do các quy định của địa phương, đồng thời giá cả nguyên vật liệu tăng mạnh trong thời gian vừa qua, theo VARS.
Thủ đô Hà Nội được nhận định có nguồn cung BĐS nhà ở khan hiếm do tốc độ phê duyệt chậm. 80% các sản phẩm chào bán là hàng tồn kho từ những năm trước. Giá căn hộ chung cư ổn định hoặc tăng nhẹ, trong khi giá nhà đất tăng mạnh từ 20-30%. Các đợt sốt đất nền cục bộ cũng diễn ra tại các huyện ngoại thành, đặc biệt những huyện có thông tin “lên quận”.
Trần Chung