Quyết định của Best Buy chịu sự tác động không nhỏ từ những lo ngại trước đó liên quan đến vụ việc, chính phủ Mỹ cáo buộc Kaspersky che giấu backdoor trong phần mềm của hãng.
Theo quy định mới này, Best Buy sẽ cấm bán toàn bộ các sản phẩm, giải pháp bảo mật của hãng Kaspersky tại cửa hàng và trên website.
Một phát ngôn viên của Best Buy khẳng định, Kaspersky còn "quá nhiều câu hỏi chưa thể giải đáp" nên đây cũng là lý do khiến Best Buy không thực sự an tâm khi kinh doanh phần mềm của hãng bảo mật nước Nga.
Tuy nhiên quyết định trên không phải là điều quá bất ngờ. Hồi đầu năm nay, FBI cũng gây sức ép lên nhiều công ty tư nhân, cấm họ sử dụng các sản phẩm, đồng thời xóa bỏ mọi phần mềm Kaspersky khỏi hệ thống.
Sự việc bắt đầu căng thẳng từ hồi tháng 7 khi chính phủ Mỹ quyết định loại bỏ Kaspersky khỏi danh sách các phần mềm được cấp phép cài đặt trong máy tính của các quan chức. Mỹ cho rằng, các phần mềm bảo mật của Kaspersky có thể chứa các công cụ gián điệp và theo dõi.
Về phía Kaspersky, hãng bảo mật nước Nga liên tục bác bỏ các cáo buộc hay yêu sách, thậm chí từ chối yêu cầu tiến hành kiểm toán để chứng minh phần mềm của họ hoàn toàn trong sạch. Điều này khiến chính phủ Mỹ buộc phải “mạnh tay” ép tất cả các công ty thuộc khu vực công lẫn tư nhân phải gỡ bỏ phần mềm của Kaspersky.
Thượng nghĩ sĩ Jean ne Shaheen tiết lộ với tờ New York Times, sáu quan chức tình báo hàng đầu tại Mỹ, bao gồm những người đứng đầu CIA và FBI đã bỏ phiếu chống lại Kaspersky, đồng thời bày tỏ mối quan ngại liên quan đến các backdoor bí mật của Nga.
Bà Shaheen nói thêm: “Ngoài các bằng chứng liên quan trực tiếp tới mối quan hệ giữa Kaspersky và chính phủ Nga, chúng tôi không thể bỏ qua các mối liên kết gián tiếp với Thủ tướng Nga Vladimir Putin”.
Theo khẳng định từ Best Buy, những người đã mua phần mềm Kaspersky trước đó nếu có giấy xác nhận hợp lệ có thể chọn thay thế các phần mềm bảo mật khác miễn phí trong vòng 45 ngày tới.
Theo GenK