Tiền thân của doanh nghiệp này là Công ty TNHH Phương Nam, do đại gia thủy sản Lâm Ngọc Khuân thành lập năm 1998.
Trao đổi với Zing chiều 12/9, ông Thái Rết - Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng - cho biết tổng nợ của Thủy sản Phương Nam khoảng 5.000 tỷ đồng. Sau khi tái cơ cấu và bán tài sản để xử lý nợ cho các ngân hàng, Thủy sản Phương Nam còn nợ khoảng 3.000 tỷ đồng.
Theo đánh giá của quản tài viên, tổng tài sản còn lại của Thủy sản Phương Nam có giá trị không quá 150 tỷ đồng. Từ sự mất cân đối này, doanh nghiệp đã nộp đơn đến tòa án để xin phá sản.
Quản tài viên đánh giá Thủy sản Phương Nam chỉ còn tài sản trị giá khoảng 150 tỷ đồng. Ảnh: Việt Tường. |
Nợ quá lớn
Tại buổi họp mặt doanh nghiệp đầu năm do Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức chiều 9/2, ông Thái Rết cho biết các vấn đề liên quan đến Thủy sản Phương Nam được chia thành 2 giai đoạn.
Đầu tiên là hình sự, đã xét xử xong từ năm 2017. Hiện nay, cơ quan chức năng đang tổ chức bán tài sản của Công ty Phương Nam để thu hồi nợ cho các ngân hàng.
Giai đoạn 2 của doanh nghiệp này là tái cấu trúc Thủy sản Phương Nam. Tuy nhiên, do khoản nợ quá lớn, doanh nghiệp nộp đơn xin phá sản. Hiện, TAND tỉnh Sóc Trăng đã mở thủ tục phá sản đối với công ty này.
“Chúng tôi đã xử lý gần hết tài sản của Thủy sản Phương Nam. Hiện, chỉ còn một thứ duy nhất mà chúng tôi phải xử lý là Nhà máy Phương Nam", ông Rết cho biết.
"Chúng tôi cam kết trong năm nay sẽ xử lý xong nhà máy để kết thúc vụ án tại Công ty Phương Nam”, ông Rết khẳng định.
Đối với công ty con của Thủy sản Phương Nam là KM Phương Nam được xây dựng tại huyện Kế Sách, cơ quan chức năng xác định doanh nghiệp này không hoạt động từ khi xây dựng đến nay.
Hiện, ngân hàng đang kiện các thành viên của KM Phương Nam, trong đó có cổ phần của ông Lâm Ngọc Khuân, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Phương Nam.
“Chúng tôi đang khẩn trương đưa ra xét xử để làm sao đảm bảo thu hồi nợ cho ngân hàng và xử lý luôn nhà xưởng của KM Phương Nam ở Kế Sách”, lãnh đạo TAND tỉnh Sóc Trăng khẳng định.
25 cán bộ ngân hàng vướng lao lý
Thủy sản Phương Nam trở thành công ty cổ phần vào năm 2000 với vốn điều lệ 295 tỷ đồng. Ngoài ông Khuân, 3 cổ đông còn lại là bà Trần Thị Mỹ, vợ ông này và con gái Lâm Ngọc Hân cùng cháu trai Quỳnh Phúc Quế (chỉ đứng tên 24% cổ phần nhưng thực tế không góp vốn).
Từ năm 2008 đến tháng 9/2012, Phương Nam được nhiều ngân hàng cho vay vốn kinh doanh thủy sản. Tuy nhiên, ông Khuân đã sử dụng vốn sai mục đích vào các việc như dùng để trả nợ, kinh doanh bất động sản, liên doanh - liên kết đầu tư với công ty KM Phương Nam do chính mình làm chủ tịch Hội đồng thành viên và chiếm hưởng trên 52 tỷ đồng.
Do kinh doanh thua lỗ 5 năm liên tục dẫn đến mất khả năng thanh toán, ông Khuân chỉ đạo con gái và thuộc cấp lập hồ sơ khống để tiếp tục vay tiền. Cuối năm 2013, ông Khuân đi nước ngoài, bỏ lại khoản nợ khoảng 1.600 tỷ đồng.
Chồng đại gia thủy sản Phạm Thị Diệu Hiền là ông Trần Văn Trí cùng các ngân hàng tham gia giải cứu Thủy sản Phương Nam bằng cách tái cơ cấu vào giữa năm 2013.
Biệt phủ của đại gia Lâm Ngọc Khuân, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phương Nam. Ảnh: Việt Tường. |
Công ty sau đó hoạt động trở lại dù nhà chức trách xác định Thủy sản Phương Nam không có tài sản bảo đảm để hoàn trả vốn vay cho 5 ngân hàng với số tiền 638 tỷ đồng. Số tiền này cha con ông Khuân được cho là đã chiếm đoạt rồi bỏ trốn.
Nguyên kế toán Lâm Minh Mẫn và giám đốc Trịnh Hồng Phượng sau đó lĩnh 16-18 năm tù vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Năm chi nhánh ngân hàng tại Hậu Giang, Bạc Liêu và Sóc Trăng bị Thủy sản Phương Nam nợ, khiến 25 người là nguyên cán bộ ngân hàng cũng vướng lao lý vì tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
(Theo Zing)
Một ngân hàng đã khởi kiện 1/12 đại dự án thua lỗ ngàn tỉ
Ngân hàng PVcomBank khởi kiện Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) hồi cuối năm 2019 vì đây là chủ đầu tư dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam (Long An), đã bị "đắp chiếu" từ 12 năm nay và nợ riêng ngân hàng này hơn 500 tỉ đồng.