Chia sẻ trên nhiều người nghĩ rằng đang đùa, nhưng đó lại là một câu chuyện cực kỳ nghiêm túc trong thời điểm hiện nay, thời của giáo dục số. Một học sinh ở Việt Nam có thể chọn học đại học ở các nước trên thế giới, thông qua hình thức trực tuyến.
Tại sao lại phải chọn một trường tận bên Mỹ để học, bởi ở Việt Nam hình thức đào tạo trực tuyến hiện vẫn còn chưa phổ biến, cũng như chưa có các đại học số đúng nghĩa. Trong khi đó, nguồn nhân lực số hiện nay lại đang thiếu trầm trọng không chỉ trong nước và trên toàn cầu.
Việc thiếu nhân lực số cũng được CEO một công ty công nghệ tại Hà Nội chia sẻ, ngay khi sinh viên các trường công nghệ mới học năm 3, họ đã phải vào câu kéo nhân lực về cho công ty mình rồi. Thậm chí phải cạnh tranh gay gắt với nhiều doanh nghiệp khác, phải “o bế” sinh viên hết sức nhiệt tình mới có hi vọng.
Tại Hội nghị Triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về Phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tổ chức ngày 16/11, một lần nữa Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đặt ra vấn đề đào tạo nhân lực số ở Việt Nam. Và nhấn mạnh đại học số được xem là lời giải cho nhân lực số.
Theo Bộ trưởng, nhu cầu nhân lực lớn nhất hiện nay trên phạm vi toàn cầu là nhân lực số, và đang thiếu trầm trọng. Chính vì thế mà nhiều doanh nghiệp số Việt Nam đã đang làm chuyển đổi số cho Mỹ và Nhật Bản, doanh thu hàng năm lên tới hàng tỷ đô la.
Việt Nam muốn có đủ nhân lực số, từ nay đến năm 2030, mỗi năm phải đào tạo được 150.000 nhân lực số có bằng từ cao đẳng trở lên, trong khi hiện tại, mỗi năm mới đào tạo được 70.000, tức là chưa được 50% nhu cầu. Các trường đại học truyền thống cũng đã tới hạn về đào tạo vì thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất.
Chính vì thế vùng Trung Bộ cần nhanh chóng tận dụng tốt cơ hội này để tạo ra các Đại học số cho lĩnh vực nhân lực số, sẽ trở thành cái nôi nhân lực số cho cả nước và toàn cầu. Và từ cái nôi này sẽ làm cho vùng trở thành trung tâm công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm chuyển đổi số và vươn mình phát triển mạnh mẽ.
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và đào tạo trong năm 2022 cấp 5 giấy phép thí điểm đại học số, đây có lẽ là việc cần làm sớm để có thể nhanh chóng giải quyết được bài toán nguồn nhân lực công nghệ số hiện nay.
Xem lại toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng về phát triển kt-xh vùng Trung Bộ tại đây.