Sáng 14/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm, làm việc với Trường Đại học FPT và Công ty TNHH Phần mềm FPT (FPT Software) tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội.
Tại Đại học FPT, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặc biệt quan tâm và đặt câu hỏi về các ngành đang đào tạo cũng như điều kiện sinh hoạt học tập của các sinh viên tại Trường.
Báo cáo với đoàn công tác của Thủ tướng, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho biết, năm 1999, FPT đã mở mạng lưới đào tạo lập trình viên quốc tế để đưa trí tuệ Việt Nam vươn ra thế giới. Sau đó, tập đoàn này nhận giấy phép thành lập Đại học FPT năm 2006. Đến năm 2010, FPT mở thêm hệ thống đào tạo nghề.
“Tính đến nay, đã có 18.241 sinh viên tốt nghiệp đại học, 3.114 học sinh tốt nghiệp phổ thông trên tổng số 150.000 học sinh, sinh viên theo học tại FPT. Trong các cựu học sinh FPT, có 40 triệu phú USD và 2 em lập được công ty có quy mô tỷ USD”, ông Trương Gia Bình chia sẻ.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lắng nghe các ý kiến chia sẻ, đề xuất về việc phát triển nguồn nhân lực số của FPT.
Theo Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, Việt Nam đang mất dần sự hấp dẫn về nguồn nhân lực giá rẻ. Đây là thời điểm chúng ta cần tạo ra sức hút mới từ nguồn nhân lực kỹ thuật cao và rất cao, có các bằng cấp, chứng chỉ.
Với 100 triệu dân số vàng, Việt Nam có thể trở thành trung tâm giáo dục đào tạo công nghệ của thế giới. Do vậy, ông Trương Gia Bình cho rằng Việt Nam nên đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực 4.0, trong đó, công nghệ và giáo dục là hai khía cạnh phải đi song hành với nhau.
Phát biểu tại buổi thăm và làm việc này, Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tăng cường quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nói chung nhằm thực hiện chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước ta. Theo đó, giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu để thực hiện các mục tiêu trăm năm của đất nước.
“Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu và tổ chức thành lập các trường đại học số. Trước đây chúng ta có các khoa CNTT, sau đó là các trường đại học liên quan đến lĩnh vực CNTT, như Đại học FPT là một ví dụ. Chúng ta phải có cơ chế, chính sách và chiến lược phát triển đại học số. Điều này sẽ góp phần đào tạo nguồn nhân lực mới cho đất nước”, Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, có rất nhiều vấn đề xoay quanh đại học số. Vậy nên cần làm rõ cần có những chính sách gì, quy hoạch đào tạo ra sao, hướng vào các ngành nghề gì? Nước ta có nguồn lực hạn chế, trong khi nhu cầu đòi hỏi lại cao, do đó cần cân đối để đào tạo có trọng tâm, trọng điểm, từ đó phát triển các đại học số sao cho phù hợp với tình hình đất nước.
Với Bộ Khoa học và Công nghệ, Thủ tướng đề nghị cần đẩy mạnh việc nghiên cứu khoa học, góp phần tăng năng suất lao động tổng hợp của Việt Nam. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cần mở thêm thật nhiều các khu công nghệ cao từ kinh nghiệm phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Tại các khu công nghệ cao, cần quan tâm đến việc tập trung, thu hút đào tạo nguồn nhân lực.
Với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Thủ tướng nhắc nhở về việc cần tập trung đào tạo nghề để kêu gọi, thu hút đầu tư, đáp ứng mối quan hệ lao động quốc tế và nhu cầu phát triển của đất nước.